THƯ VIỆN PHÁP LUẬT DỊCH:
Chương 12: NHẬP CẢNH TẠM THỜI ĐỐI VỚI DOANH NHÂN
>> Xem bản Tiếng Anh
CHƯƠNG 12
NHẬP CẢNH TẠM THỜI ĐỐI VỚI DOANH NHÂN
Trong Chương này:
Doanh nhân là:
(a) cá nhân mang quốc tịch của một Bên tham gia Hiệp định theo Phụ lục 1-A (Định nghĩa của mỗi Bên), hoặc
(b) cá nhân cư trú thuộc Bên tham gia Hiệp định mà trước thời điểm Hiệp định này có hiệu lực đã thông báo theo quy định tại Điều XXVIII(k)(ii)(2) của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) rằng Bên đó sẽ dành cho các cá nhân cư trú trên lãnh thổ của mình cách thức đối xử gần như tương tự với cách thức đối xử dành cho công dân của nước mình, 1
và là cá nhân tham gia vào hoạt động thương mại hàng hóa, cung cấp dịch vụ hoặc tổ chức thực hiện, quản lý các hoạt động đầu tư;
Thủ tục nhập cảnh bao gồm thị thực, giấy phép, giấy tờ xuất nhập cảnh hay các loại giấy tờ khác hoặc cơ quan quản lý điện tử cấp phép nhập cảnh tạm thời;
Biện pháp quản lý nhập cảnh là bất kỳ biện pháp nào tác động đến việc nhập cảnh và lưu trú của công dân nước ngoài; và
Nhập cảnh tạm thời là việc nhập cảnh vào lãnh thổ của một Bên tham gia Hiệp định của doanh nhân thuộc Bên khác mà không có dự định lưu trú lâu dài.
1. Chương này không áp dụng đối với các biện pháp tác động đến việc nhập cảnh tạm thời của những doanh nhân thuộc Bên này vào lãnh thổ của Bên kia.
2. Chương này không áp dụng đối với các biện pháp tác động đến các cá nhân đang tìm cách tiếp cận thị trường việc làm của Bên kia cũng như không áp dụng đối với các biện pháp liên quan đến công dân, quốc tịch, cư trú hoặc việc làm lâu dài.
3. Không quy định nào trong Hiệp định này ngăn cản Bên này không được áp dụng các biện pháp nhằm kiểm soát việc nhập cảnh của các cá nhân thuộc Bên khác khi nhập cảnh vào hoặc kiểm soát việc lưu trú tạm thời trong lãnh thổ của mình, bao gồm các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ sự toàn vẹn biên giới và nhằm đảm bảo hoạt động xuất nhập cảnh một cách có trật tự của các cá nhân qua biên giới, với điều kiện là những biện pháp này không được áp dụng theo một cách có thể hủy hoại các lợi ích tích lũy của bất kỳ Bên tham gia Hiệp định nào theo quy định tại Chương này.
4. Việc Bên tham gia Hiệp định chỉ yêu cầu doanh nhân của Bên khác phải thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh sẽ không được xem như là cách có thể hủy hoại các lợi ích tích lũy của bất kỳ Bên nào theo quy định của Chương này.
Điều 12.3: Thủ tục xin phép nhập cảnh
1. Nếu có thể thì ngay sau khi nhận được toàn bộ hồ sơ xin nhập cảnh hoàn chỉnh, mỗi Bên tham gia Hiệp định phải đưa ra quyết định về hồ sơ xin phép đó và thông báo cho người nộp hồ sơ về quyết định này. Trong trường hợp được chấp thuận, quyết định đó phải nêu rõ thời hạn lưu trú và các điều kiện khác.
2. Căn cứ theo yêu cầu của người nộp hồ sơ, Bên tham gia Hiệp định sau khi đã nhận hồ sơ xin phép nhập cảnh hoàn chỉnh phải cố gắng để kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến tình trạng của hồ sơ xin phép đó.
3. Mỗi Bên tham gia Hiệp định phải bảo đảm rằng các khoản phí giải quyết thủ tục nhập cảnh của cơ quan chức năng của mình phải được tính toán hợp lý cũng như không tác động tiêu cực hoặc gây trì hoãn một cách vô lý đối với các hoạt động thương mại hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc công tác tổ chức thực hiện và quản lý các hoạt động đầu tư theo quy định trong Hiệp định này.
Điều 12.4: Cấp phép nhập cảnh tạm thời
1. Mỗi Bên tham gia Hiệp định phải đưa ra các cam kết trong Phụ lục 12-A liên quan đến việc nhập cảnh tạm thời của doanh nhân, trong đó nêu cụ thể các điều kiện và hạn chế đối với việc nhập cảnh và lưu trú tạm thời, kể cả thời gian lưu trú, của từng đối tượng doanh nhân theo quy định của Bên đó.
2. Bên tham gia Hiệp định phải cấp phép nhập cảnh tạm thời hoặc gia hạn thời gian lưu trú tạm thời đối với những doanh nhân của Bên khác trong phạm vi quy định của các cam kết trong khoản 1, với điều kiện là những doanh nhân này phải:
(a) thực hiện theo các thủ tục xin phép nhập cảnh theo quy định của Bên cấp phép; và
(b) đáp ứng các điều kiện liên quan cho phép nhập cảnh tạm thời hoặc gia hạn thời gian lưu trú tạm thời.
3. Việc Bên tham gia Hiệp định chỉ cấp phép nhập cảnh tạm thời cho doanh nhân của Bên khác theo quy định tại Chương này không có nghĩa là doanh nhân đó sẽ được miễn tuân thủ các yêu cầu cấp phép hoặc các yêu cầu khác hiện hành, bao gồm các nguyên tắc ứng xử bắt buộc, trong quá trình hành nghề hoặc tham gia vào các hoạt động kinh doanh khác.
4. Bên tham gia Hiệp định có quyền từ chối không cho phép thực hiện thủ tục nhập cảnh đối với doanh nhân thuộc Bên khác nếu như việc nhập cảnh tạm thời của người đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến:
(a) hoạt động giải quyết tranh chấp lao động đang tiến hành tại địa điểm làm việc hiện tại hoặc dự định; hoặc (b) công việc của bất kỳ cá nhân nào đang tham gia vào vụ tranh chấp đó.
5. Khi một Bên tham gia Hiệp định từ chối cấp phép nhập cảnh theo khoản 4, Bên đó phải thông báo cho người nộp hồ sơ biết.
Các Bên tham gia Hiệp định phải cam kết với nhau trong APEC nhằm tăng cường khả năng di chuyển của các doanh nhân, bao gồm việc khai thác và phát triển tự nguyện các chương trình du lịch tin cậy cùng với việc hỗ trợ cho các nỗ lực nhằm mở rộng chương trình thẻ đi lại của doanh nhân APEC.
Để triển khai theo các quy định tại Điều 26.2 (Công khai) và Điều 26.5 (Cung cấp thông tin), mỗi Bên tham gia hiệp định phải:
(a) nếu có thể, kịp thời công khai trực tuyến hoặc công bố rộng rãi thông tin về: (i) các yêu cầu hiện hành đối với việc nhập cảnh tạm thời theo quy định của Chương này, bao gồm các loại mẫu đơn và giấy tờ quan trọng và thích hợp có nội dung rõ ràng, dễ hiểu mà sẽ giúp những doanh nhân quan tâm của Bên kia làm quen với các yêu cầu đó; và (ii) thời hạn giải quyết hồ sơ cụ thể; và
(b) thiết lập hoặc duy trì các cơ chế thích hợp để trả lời các câu hỏi từ các cá nhân quan tâm liên quan đến các biện pháp đối với việc nhập cảnh tạm thời quy định trong Chương này.
Điều 12.7: Ủy ban nhập cảnh tạm thời cho doanh nhân
1. Các Bên tham gia Hiệp định thành lập Ủy ban nhập cảnh tạm thời cho doanh nhân (Ủy ban) với thành phần tham gia là các đại diện từ chính phủ của mỗi Bên.
2. Ủy ban tiến hành họp định kỳ ba năm một lần nếu như không có thỏa thuận gì khác giữa các Bên, nhằm mục đích:
(a) rà soát công tác tổ chức thực hiện, triển khai quy định của Chương này;
(b) đánh giá khả năng của các Bên xem các Bên có thể tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho việc nhập cảnh tạm thời của doanh nhân, trong đó bao gồm việc phát triển các hoạt động cam kết thực hiện theo quy định tại Điều 12.8 (Hợp tác); và
(c) xem xét các vấn đề khác phát sinh theo quy định của Chương này.
3. Bên tham gia Hiệp định có thể đề xuất bàn bạc, thảo luận với một hoặc một vài Bên khác để đạt được các mục tiêu quy định trong khoản 2. Các buổi bàn bạc, thảo luận này có thể được tổ chức vào thời điểm và địa điểm do các Bên liên quan thỏa thuận.
Trên cơ sở nhận thức rằng các Bên tham gia Hiệp định có thể hưởng lợi từ việc chia sẻ nhiều kinh nghiệm và áp dụng các thủ tục liên quan đến việc giải quyết hồ sơ xin cấp thị thực và an ninh biên giới, các Bên tham gia Hiệp định phải xem xét cam kết thực hiện các hoạt động hợp tác cùng nhau tùy thuộc vào nguồn lực hiện có của mỗi Bên. Sự hợp tác này thể hiện qua các hoạt động như:
(a) tư vấn triển khai và thực hiện các hệ thống giải quyết hồ sơ xin cấp thị thực điện tử;
(b) chia sẻ kinh nghiệm về các quy định liên quan, áp dụng các chương trình và công nghệ liên quan đến:
(i) an ninh biên giới, bao gồm việc áp dụng công nghệ nhân trắc học, hệ thống quản lý thông tin hành khách nâng cao, chương trình quản lý hành khách qua lại biên giới thường xuyên và các biện pháp an ninh trên các loại giấy tờ du lịch; và
(ii) giải quyết nhanh chóng thủ tục nhập cảnh cho một số đối tượng để giảm tải cho cơ sở vật chất và giảm bớt khối lượng công việc; và
(c) hợp tác trên các diễn đàn hợp tác đa phương nhằm tăng cường hợp tác để nâng cao năng lực như nêu tại điểm (a) và (b).
Điều 12.9: Liên hệ với các Chương khác
1. Ngoài các quy định trong Chương này và các quy định trong Chương 1 (Các điều khoản ban đầu và định nghĩa chung), Chương 27 (Các điều khoản hành chính và thể chế), Chương 28 (Giải quyết tranh chấp), Chương 30 (Các điều khoản cuối cùng), Điều 26.2 (Công khai) và Điều 26.5 (Cung cấp thông tin), bất kỳ điều khoản nào trong Hiệp định này không áp đặt nghĩa vụ đối với Bên tham gia Hiệp định liên quan đến các biện pháp quản lý nhập cảnh.
2. Không có bất kỳ điều khoản nào của Chương này được hiểu là có thể áp đặt các nghĩa vụ hoặc cam kết liên quan đến các Chương khác trong Hiệp định này.
Điều 12.10: Giải quyết tranh chấp
1. Không Bên nào được phép viện lý do là căn cứ vào các quy định giải quyết tranh chấp của Chương 28 (Giải quyết tranh chấp) đối với trường hợp từ chối cấp phép nhập cảnh tạm thời trừ khi:
(a) phát sinh sự việc liên quan đến cơ chế thực hiện; và
(b) các doanh nhân bị ảnh hưởng đã thực hiện hầu hết mọi biện pháp khắc phục hành chính liên quan đến sự việc cụ thể nào đó.
2. Các biện pháp khắc phục quy định tại 1(b) sẽ được xem như đã được vận dụng hết trong trường hợp Bên khác không ban hành quyết định sau cùng đối với sự việc liên quan trong thời hạn hợp lý kể từ sau ngày ban hành quy chế giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng đối với biện pháp khắc phục, bao gồm thủ tục tố tụng đối với trường hợp cần xem xét lại hoặc khiếu nại, đồng thời việc không ban hành quyết định này không phải do việc trì hoãn từ phía doanh nhân liên quan đến sự việc gây ra.
1 Theo quy định tại điểm (b), “công dân” được định nghĩa tương tự như phần định nghĩa tại Điều XXVIII(k)(ii)(2) của Hiệp định GATS.