THƯ VIỆN PHÁP LUẬT DỊCH:
Chương 27: Quy định về hành chính và thể chế
>> Xem bản Tiếng AnhCHƯƠNG 27
QUY ĐỊNH HÀNH CHÍNH VÀ THỂ CHẾ
Điều 27.1: Thành lập Ủy ban Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương
Các Bên thành lập một Ủy ban Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Ủy ban TPP) bao gồm đại diện chính phủ của mỗi Bên ở cấp Bộ trưởng hoặc cán bộ cao cấp. Mỗi Bên tự chịu trách nhiệm về thành phần đoàn đại biểu của mình.
Điều 27.2: Chức năng của Ủy ban TPP
1. Ủy ban TPP có trách nhiệm:
(a) xem xét mọi vấn đề liên quan đến việc thực hiện hoặc hoạt động của Hiệp định này;
(b) xem xét lại mối quan hệ kinh tế và quan hệ đối tác giữa các Bên trong vòng 3 năm kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này và sau đó ít nhất 5 năm một lần.
(c) xem xét những đề nghị sửa đổi Hiệp định này;
(d) giám sát công việc của tất cả các ủy ban, Nhóm công tác và các cơ quan trực thuộc được thành lập theo Hiệp định này;
(e) xem xét những cách thức thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các Bên;
(f) thiết lập các nguyên tắc về thủ tục được quy định tại Điều 28.13, và nếu có thể, sửa đổi các nguyên tắc này;
(g) xem xét lại danh sách hội thẩm viên quy định tại Điều 28.11 mỗi 3 năm và lập một danh sách mới nếu thích hợp, và
(h) xem xét hiệu lực của Hiệp định này đối với Bên ký kết ban đầu đã gửi thông báo theo Khoản 4 Điều 30.5 (Hiệu lực).
2. Ủy ban TPP có thể:
(a) thành lập hoặc xem xét những vấn đề liên quan đến hoặc do trọng tài vụ việc, ủy ban thường trực, Nhóm công tác hoặc cơ quan trực thuộc đưa ra;
(b) sáp nhập hoặc giải thể các ủy ban, nhóm công tác hoặc các cơ quan trực thuộc khác được thành lập theo Hiệp định này nhằm hoàn thiện chức năng của Hiệp định này;
(c) xem xét và thông qua một trong những thay đổi sau tùy thuộc vào sự hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết của mỗi Bên1:
(i) Biểu thuế quy định tại Phụ lục 2-D (Cam kết thuế quan) bằng cách thúc đẩy việc loại bỏ thuế quan;
(ii) quy tắc xuất xứ theo Phụ lục 3-D (Quy tắc theo mặt hàng cụ thể) và Phụ lục 4-A (Quy tắc xuất xứ theo mặt hàng dệt may cụ thể); hoặc
(iii) danh sách các tổ chức và hàng hóa, dịch vụ và ngưỡng giá trong đấu thầu nêu tại Phụ lục của mỗi bên đính kèm Chương 15 (Mua sắm Chính phủ);
(d) tăng cường thỏa thuận nhằm thực hiện Hiệp định này;
(e) tìm cách giải quyết các bất đồng hoặc tranh chấp có thể phát sinh liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này;
(f) giải thích các quy định của Hiệp định;
(g) yêu cầu sự tư vấn của những cá nhân hay tổ chức phi chính phủ về những vấn đề thuộc chức năng của Ủy ban TPP; và
(h) thực hiện những chức năng khác theo thỏa thuận của các Bên.
3. Căn cứ vào khoản 1 (b), Ủy ban TPP sẽ tiến hành đánh giá các hoạt động của Hiệp định này nhằm cập nhật và hoàn thiện Hiệp định này, thông qua đàm phán khi thích hợp, để đảm bảo rằng các nguyên tắc nêu trong Hiệp định giữ mối liên kết với những thách thức thương mại và đầu tư mà các Bên phải đối mặt.
4. Khi tiến hành đánh giá theo khoản 3, Ủy ban TPP sẽ đánh giá những nội dung sau:
(a) các công việc của tất cả các ban, Nhóm công tác và những cơ quan trực thuộc khác được thành lập theo Hiệp định này;
(b) những diễn biến liên quan của các diễn đàn quốc tế; và
(c) những tư vấn của cá nhân hoặc tổ chức phi chính phủ của các Bên nếu thích hợp.
1. Ủy ban TPP và các cơ quan trực thuộc thành lập theo Hiệp định này sẽ đưa ra các quyết định theo nguyên tắc đồng thuận, trừ khi Hiệp định có quy định khác, hoặc là các Bên có quyết định khác2. Trừ khi được quy định khác trong Hiệp định này, Ủy ban TPP hoặc cơ quan trực thuộc đều được coi như đã ra quyết định theo nguyên tắc đồng thuận nếu không Bên nào có mặt tại hội nghị phản đối quyết định đang được xem xét.
2. Trong phạm vi điểm f của Điều 27.2.2 (Chức năng của Ủy ban TPP), quyết định của Ủy ban TPP được áp dụng khi tất cả các Bên đều đồng ý. Một quyết định được áp dụng nếu một Bên không đồng ý với vấn đề Ủy ban TPP đưa ra nhưng không gửi văn bản phản đối sự giải thích của Ủy ban TPP trong vòng 5 ngày kể từ ngày xem xét.
Điều 27.4: Quy tắc về thủ tục của Ủy ban TPP
1. Trong vòng một năm kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định này, Uỷ ban TPP phải tổ chức họp và những cuộc họp sau đó do các Bên thỏa thuận, kể cả khi cần thiết để thực hiện chức năng của mình theo Điều 27.2. Mỗi Bên sẽ lần lượt chủ trì các cuộc họp của Ủy ban TPP.
2. Bên chủ trì phiên họp của Ủy ban TPP sẽ hỗ trợ hành chính cần thiết cho khoá họp đó và gửi thông báo về những quyết định của Ủy ban TPP cho các Bên.
3. Trừ trường hợp có quy định khác tại Hiệp định này, Ủy ban TPP và cơ quan trực thuộc được thành lập theo Hiệp định này sẽ thực hiện công việc của mình thông qua bất kỳ phương tiện thích hợp nào, có thể bao gồm thư điện tử, hội nghị truyền hình.
4. Ủy ban TPP và cơ quan trực thuộc được thành lập theo Hiệp định này có thể thiết lập các quy tắc của các thủ tục để tiến hành các công việc của mình.
1. Mỗi Bên sẽ chỉ định một đầu mối liên lạc duy trì thông tin liên lạc giữa các Bên về bất kỳ vấn đề nào theo Hiệp định này cũng như các cơ quan liên hệ khác theo yêu cầu của Hiệp định này.
2. Trừ trường hợp có quy định khác tại Hiệp định này, mỗi Bên có nghĩa vụ gửi thông báo về các đầu mối liên lạc của mình cho những Bên khác trong vòng 60 ngày sau ngày có hiệu lực của Hiệp định này đối với Bên đó. Mỗi Bên phải gửi thông báo về các đầu mối liên lạc của mình cho những Bên có ngày hiệu lực của Hiệp định muộn hơn ngày Bên đó chỉ định đầu mối liên lạc nhưng chậm nhất là 30 ngày sau ngày Bên kia thông báo các đầu mối liên lạc của mình.
Điều 27.6: Quản lý thủ tục giải quyết tranh chấp
1. Mỗi Bên phải:
(a) chỉ định một văn phòng có nhiệm vụ hỗ trợ hành chính cho tòa án trọng tài thành lập theo Chương 28 (Giải quyết tranh chấp) thực hiện thủ tục tố tụng nếu như nó là một Bên tranh chấp và thực hiện các chức năng liên quan theo ủy quyền của Ủy ban TPP; và
(b) thông báo cho các Bên khác về vị trí văn phòng được chỉ định.
2. Mỗi Bên sẽ chịu trách nhiệm về các hoạt động và chi phí của văn phòng được chỉ định.
Điều 27.7: Báo cáo về giai đoạn chuyển tiếp của từng Bên cụ thể
1. Tại mỗi cuộc họp thường kỳ của Ủy ban TPP, Bên nào có giai đoạn chuyển tiếp cụ thể đối với bất kỳ nghĩa vụ nào theo Hiệp định này phải báo cáo về kế hoạch và tiến độ thực hiện các nghĩa vụ đó.
2. Ngoài ra, mỗi Bên phải báo cáo bằng văn bản cho Ủy ban TPP về kế hoạch và tiến độ thực hiện từng nghĩa vụ như sau:
(a) Nếu giai đoạn chuyển tiếp từ ba năm trở xuống, các Bên phải báo cáo bằng văn bản trước khi kết thúc thời hạn chuyển tiếp sáu tháng; và
(b) Nếu giai đoạn chuyển tiếp hơn ba năm, các Bên phải báo cáo bằng văn bản hàng năm vào ngày có hiệu lực của Hiệp định này kể từ năm thứ ba, và một báo cáo bằng văn bản trong thời hạn sáu tháng trước khi kết thúc thời hạn chuyển tiếp.
3. Các Bên có thể yêu cầu thêm thông tin liên quan đến tiến độ thực hiện Hiệp định của một Bên. Bên được yêu cầu phải nhanh chóng trả lời đề nghị đó.
4. Chậm nhất là ngày hết hạn của giai đoạn chuyển tiếp, Bên đang áp dụng giai đoạn chuyển tiếp phải thông báo bằng văn bản cho những Bên khác về biện pháp thực hiện nghĩa vụ.
5. Nếu một Bên không gửi thông báo nêu tại Khoản 4, vấn đề này sẽ tự động được đưa vào chương trình nghị sự cho các cuộc họp thường kỳ tiếp theo của Ủy ban TPP. Ngoài ra, các Bên cũng có thể yêu cầu Ủy ban họp ngay lập tức.
1 Chile sẽ thực hiện chức năng của Ủy ban TPP thông qua Acuerdos de Ejecución phù hợp với điều 54, số 1, khoản 4 Hiến pháp Chile (Constitución Política de la República de Chile).
2 Nhằm giải thích rõ hơn, bất cứ quyết định thay thế nào của các Bên sẽ được áp dụng nếu các Bên đồng ý.