Hiệp định TPP 20/11/2015 10:03 AM

Bản tiếng Việt của Hiệp định TPP - Chương 14: Thương mại điện tử

20/11/2015 10:03 AM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT DỊCH:

Chương 14: Thương mại điện tử

>> Xem bản Tiếng Anh
>> Tải File Word Hiệp định TPP (tiếng Anh và tiếng Việt) tại đây

 

CHƯƠNG 14

THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Điều 14.1: Giải thích từ ngữ

Trong Chương này:

hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm các máy chủ và các thiết bị lưu trữ phục vụ hoạt động xử lý hoặc lưu trữ thông tin phục vụ mục đích thương mại;

đối tượng áp dụng1 gồm:

(a) Dự án đầu tư được bảo đảm theo quy định tại Điều 9.1 (Giải thích từ ngữ);

(b) nhà đầu tư của Bên tham gia Hiệp định theo quy định tại Điều 9.1 (Giải thích từ ngữ) nhưng không bao gồm nhà đầu tư thực hiện đầu tư vào một tổ chức tài chính; hoặc 

(c) nhà cung cấp dịch vụ của Bên tham gia Hiệp định theo quy định tại Điều 10.1 (Giải thích từ ngữ),

nhưng không bao gồm một “tổ chức tài chính” hoặc "nhà cung cấp dịch vụ tài chính xuyên biên giới của Bên tham gia Hiệp định” theo quy định tại Điều 11.1 (Giải thích từ ngữ);

sản phẩm số bao gồm chương trình máy tính, sản phẩm văn bản, video, hình ảnh, ghi âm hoặc sản phẩm khác được mã hóa bằng kỹ thuật số và được sản xuất phục vụ mục đích thương mại hoặc phân phối cũng như các sản phẩm được truyền phát bằng hình thức điện tử; 2, 3 

chứng thực điện tử là quy trình hoặc hành động xác minh đặc điểm của một bên tham gia vào một hoạt động thông tin hoặc giao dịch điện tử và quy trình hoặc hành động nhằm đảm bảo mức độ trung thực của các hoạt động thông tin điện tử;

truyền phát tín hiệu điện tử hoặc được phát sóng bằng hình thức điện tử là một hoạt động truyền tín hiệu điện tử được thực hiện bằng cách sử dụng các thiết bị điện từ, kể cả thiết bị quang điện tử;

thông tin cá nhân là bất kỳ thông tin nào, kể cả dữ liệu về cá nhân đã được xác định hoặc có thể xác định về đặc điểm cá nhân;

hồ sơ, giấy tờ phục vụ công tác quản lý thương mại là các mẫu biểu được ban hành hoặc kiểm soát bởi Bên tham gia Hiệp định mà phải được hoàn chỉnh bởi hoặc cho nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu liên quan đến hoạt động nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa; và

tin nhắn thương mại điện tử không mong muốn là thông điệp điện tử được gửi vì mục đích thương mại hoặc tiếp thị đến một địa chỉ điện tử nào đó mà không nhận được sự đồng ý của người nhận hoặc được gửi bất chấp sự từ chối từ phía người nhận thông qua nhà cung cấp dịch vụ truy cập Internet, hoặc nếu được pháp luật của mỗi Bên cho phép thì tin nhắn dạng này có thể được gửi thông qua các dịch vụ viễn thông khác.

Điều 14.2: Phạm vi áp dụng và các điều khoản chung

1. Các Bên thừa nhận sự tăng trưởng kinh tế hoặc các cơ hội mang lại từ hoạt động thương mại điện tử và tầm quan trọng của các cơ chế pháp lý giúp thúc đẩy lòng tin của người tiêu dùng vào hoạt động thương mại điện tử cũng như tầm quan trọng của việc tránh áp dụng các rào cản không cần thiết đối với hoạt động khai thác và phát triển hoạt động thương mại điện tử.

2. Chương này áp dụng đối với các biện pháp được ban hành hoặc duy trì áp dụng bởi Bên tham gia Hiệp định mà có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại thông qua thiết bị điện tử.

3. Chương này không áp dụng đối với:

(a) hoạt động mua sắm chính phủ; hoặc

(b) thông tin được bảo quản hoặc xử lý bởi hoặc đại diện cho Bên tham gia Hiệp định, hoặc các biện pháp liên quan đến những thông tin này, kể cả các biện pháp liên quan đến việc thu thập những thông tin này.

4. Nhằm giải thích rõ hơn, các biện pháp gây ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp và thực hiện dịch vụ bằng hình thức điện tử phải tuân thủ các nghĩa vụ được đề cập đến trong các điều khoản liên quan của Chương 9 (Đầu tư), Chương 10 (Thương mại dịch vụ xuyên biên giới) và Chương 11 (Dịch vụ tài chính), kể cả các trường hợp ngoại lệ hoặc các biện pháp không tương thích nêu trong Hiệp định này được áp dụng đối với các nghĩa vụ nói trên.

5. Nhằm giải thích rõ hơn, các nghĩa vụ nêu trong Điều 14.4 (Cách đối xử không phân biệt đối với các sản phẩm số), Điều 14.11 (Chuyển giao thông tin xuyên biên giới bằng phương tiện điện tử), Điều 14.13 (Địa điểm của các hạ tầng công nghệ thông tin) và Điều 14.17 (Mã nguồn):

(a) bị điều chỉnh bởi các điều khoản, quy định về trường hợp ngoại lệ và biện pháp không tương thích liên quan trong Chương 9 (Đầu tư), Chương 10 (Thương mại dịch vụ xuyên biên giới) và Chương 11 (Dịch vụ tài chính); và

(b) sẽ được giải thích cụ thể khi kết hợp với các điều khoản liên quan khác của Hiệp định này.

5. Các nghĩa vụ nêu tại Điều 14.4 (Cách đối xử không phân biệt đối với các sản phẩm số), Điều 14.11 (Chuyển giao thông tin xuyên biên giới bằng phương tiện điện tử), Điều 14.13 (Địa điểm của các hạ tầng công nghệ thông tin) không áp dụng đối với các khía cạnh không tương thích của các biện pháp được ban hành hoặc duy trì áp dụng theo quy định tại Điều 9.11 (Biện pháp không tương thích), Điều 10.7 (Biện pháp không tương thích) hoặc Điều 11.10 (Biện pháp không tương thích).

Điều 14.3: Thuế hải quan

1. Không Bên nào được phép đánh thuế hải quan lên các hoạt động truyền phát tín hiệu điện tử, bao gồm cả nội dung được truyền phát bằng hình thức điện tử giữa đối tượng thuộc Bên này và đối tượng thuộc Bên kia. 

2. Nhằm giải thích rõ ràng hơn, các quy định tại Khoản 1 không nghiêm cấm Bên tham gia Hiệp định quy định các loại thuế áp dụng trong nước, phí hoặc lệ phí tính theo nội dung được truyền phát bằng hình thức điện tử với điều kiện là các loại thuế, phí hoặc lệ phí được tính toán theo cách phù hợp với thỏa thuận trong Hiệp định.

Điều 14.4: Cách đối xử không phân biệt đối với các sản phẩm số

1. Không Bên nào được phép dành cách thức đối xử đối với các sản phẩm số được tạo ra, sản xuất, phát hành, giao kèo, ủy quyền sở hữu hoặc giới thiệu lần đầu theo các điều khoản thương mại trong phạm vi lãnh thổ của Bên kia, hoặc đối với các sản phẩm mà tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất, người phát triển hoặc người sở hữu của chúng là cá nhân của Bên kia kém hơn so với cách thức đối xử mà mình dành cho các sản phẩm khác tương tự như sản phẩm số.4 

2. Các quy định tại khoản 1 không áp dụng đối với trường hợp quy định trong khoản này không thống nhất với quyền lợi và nghĩa vụ nêu trong Chương 18 (Sở hữu trí tuệ).

3. Các bên hiểu rằng Điều này không áp dụng đối với các chế độ trợ cấp hoặc hỗ trợ của Bên tham gia Hiệp định, bao gồm các khoản vay, các khoản bảo lãnh và bảo hiểm được chính phủ hỗ trợ.

4. Điều này không áp dụng đối với hoạt động phát sóng.

Điều 14.5: Khung pháp lý trong nước đối với các giao dịch điện tử

1. Mỗi Bên phải duy trì khung pháp lý kiểm soát các giao dịch điện tử sao cho phù hợp với các nguyên tắc của Luật mẫu về thương mại điện tử năm 1996 của UNCITRAL hoặc Công ước Liên hiệp quốc về sử dụng truyền thông điện tử trong hợp đồng quốc tế ký kết tại New York vào ngày 23 tháng 11 năm 2005.

2. Mỗi Bên phải phấn đấu

 (a) tránh đặt ra những trách nhiệm pháp lý không cần thiết đối với các giao dịch điện tử; và

(b) tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân quan tâm tham gia vào việc xây dựng khung pháp lý của mình đối với các hoạt động giao dịch điện tử.

Điều 14.6: Chứng thực điện tử và chữ ký điện tử

1. Trừ các trường hợp được quy định khác trong quy định pháp luật của một Bên tham gia Hiệp định, Bên đó không được từ chối hiệu lực pháp lý của chữ ký chỉ bởi vì lý do là chữ ký này được cung cấp bằng hình thức điện tử. 

2. Không Bên nào được phép ban hành hoặc duy trì áp dụng các biện pháp đối với hoạt động chứng thực điện tử mà

(a) ngăn cấm các bên tham gia giao dịch điện tử phối hợp cùng nhau xác định các phương pháp chứng thực thích hợp đối với giao dịch đó; hoặc

(b) ngăn cản các bên tham gia giao dịch điện tử có cơ hội để chứng minh trước các cơ quan quản lý tư pháp hoặc hành chính rằng các giao dịch của họ tuân thủ theo các yêu cầu pháp lý liên quan đến hoạt động chứng thực.

3. Đồng thời tuân thủ theo quy định tại khoản 2, đối với từng loại giao dịch cụ thể, Bên tham gia Hiệp định có quyền đặt ra yêu cầu là phương pháp chứng thực phải đáp ứng các tiêu chuẩn thực hiện hoặc được xác nhận bởi cơ quan quản lý được phép theo đúng quy định pháp luật của nước mình.

4. Các Bên phải khuyến khích việc sử dụng chứng thực điện tử có thể tương thích với nhau.

Điều 14.7: Bảo vệ khách hàng qua mạng

1. Các Bên tham gia Hiệp định phải nhận thức tầm quan trọng của việc ban hành và duy trì áp dụng các biện pháp minh bạch và hiệu quả nhằm bảo vệ khách hàng khỏi những hoạt động thương mại dối trá, giả mạo theo quy định tại Điều 16.6.2 (Bảo vệ khách hàng) khi các khách hàng này tham gia vào hoạt động thương mại điện tử. 

2. Mỗi Bên phải ban hành hoặc duy trì các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng để bài trừ các hoạt động thương mại dối trá, giả mạo đang gây hại hoặc ẩn chứa nguy cơ gây hại đến người tiêu dùng khi họ tham gia vào các hoạt động thương mại trên mạng.

3. Các Bên phải nhận thức tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng liên quan hoặc các cơ quan khác về các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm nâng cao lợi ích của khách hàng.  Theo đó, các Bên phải khẳng định rằng việc hợp tác theo Điều 16.6.5 và Điều 16.6.6 (Bảo vệ khách hàng) bao gồm việc hợp tác liên quan đến các hoạt động thương mại trên mạng.

Điều 14.8: Bảo vệ thông tin cá nhân5

1. Các Bên phải công nhận các lợi ích kinh tế và xã hội của việc bảo vệ thông tin cá nhân của người khai thác hoạt động thương mại điện tử và những đóng góp mà việc bảo vệ này mang lại trong việc củng cố niềm tin của khách hàng khi tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử.

2. Theo đó, Bên tham gia Hiệp định phải ban hành hoặc duy trì khung pháp lý đặt ra các quy định đối với việc bảo vệ thông tin cá nhân của người tham gia các hoạt động thương mại điện tử.   Trong quá trình xây dựng khung pháp lý để bảo vệ thông tin cá nhân, mỗi Bên nên lưu ý đến các nguyên tắc và hướng dẫn của các cơ quan quốc tế liên quan.6

3. Mỗi Bên phải cố gắng ban hành áp dụng các cơ chế không phân biệt đối xử đối với việc bảo vệ người tham gia các hoạt động thương mại điện tử khỏi bị tác động bởi các hành vi vi phạm đến vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trong phạm vi thẩm quyền của mình.

4. Mỗi Bên phải công bố thông tin về các biện pháp bảo vệ thông tin cá nhân của mình đến người tham gia các hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cách thức:

(a) để các cá nhân có thể theo đuổi các biện pháp khắc phục hậu quả; và

(b) để công việc kinh doanh có thể phù hợp với các yêu cầu pháp lý.

5. Khi nhận thức được rằng các Bên tham gia Hiệp định có quyền thực hiện các biện pháp pháp lý khác nhau để bảo vệ thông tin cá nhân, mỗi Bên phải tăng cường việc xây dựng các cơ chế thúc đẩy tính đồng bộ giữa các cơ chế khác nhau này.Các cơ chế này có thể bao gồm việc công nhận các kết quả trong công tác quản lý, điều hành, bất kể là tự công nhận hoặc thỏa thuận công nhận, hoặc các khung pháp lý quốc tế rộng hơn. Theo đó, các Bên phải nỗ lực trao đổi thông tin về các cơ chế này khi chúng được áp dụng trong phạm vi thẩm quyền của họ và tìm kiếm các phương thức nhằm mở rộng các thỏa thuận này hoặc các thỏa thuận thích hợp khác để thúc đẩy tính đồng bộ giữa các thỏa thuận này.

Điều 14.9: Giao dịch thương mại phi giấy tờ

Mỗi Bên phải cố gắng:

(a) công bố rộng rãi các loại tài liệu, giấy tờ về quản lý thương mại dưới dạng điện tử; và

(b) chấp nhận các tài liệu, hồ sơ giấy tờ quản lý thương mại được nộp bằng hình thức điện tử có giá trị pháp lý tương đương như bản giấy của các tài liệu, hồ sơ giấy tờ này.

Điều 14.10: Các nguyên tắc truy cập và sử dụng Internet phục vụ hoạt động thương mại điện tử

Căn cứ theo các chính sách, quy định pháp luật hiện hành, các Bên phải công nhận lợi ích của người tiêu dùng trong nước khi họ có khả năng:  

(a) truy cập và sử dụng các dịch vụ và ứng dụng mà khách hàng có quyền lựa chọn trên Internet tùy thuộc vào cách thức quản lý mạng một cách hợp lý7;

(b) kết nối các thiết bị của người dùng tùy theo lựa chọn của khách hàng vào Internet với điều kiện là các thiết bị này không gây hại cho mạng thông tin; và  

(c) truy cập thông tin về cơ chế quản lý mạng của nhà cung cấp dịch vụ truy cập Internet của khách hàng.

Điều 14.11: Chuyển giao thông tin xuyên biên giới bằng phương tiện điện tử

1. Các Bên thừa nhận rằng mỗi Bên có những yêu cầu quản lý riêng liên quan đến hoạt động chuyển giao thông tin bằng phương tiện điện tử.

2. Mỗi Bên phải cho phép việc chuyển giao thông tin xuyên biên giới bằng phương tiện điện tử, kể cả thông tin cá nhân, nếu hoạt động này phục vụ cho việc tổ chức, triển khai công việc kinh doanh của đối tượng áp dụng.

3. Không quy định nào trong Điều này có thể nghiêm cấm Bên tham gia Hiệp định này ban hành hoặc duy trì các biện pháp không đồng bộ với quy định tại khoản 2 để đạt được mục tiêu chính sách công hợp pháp với điều kiện là biện pháp đó:

(a) không được áp dụng theo cách mà có thể tạo ra sự thiếu công bằng và không hợp lý hoặc hạn chế đối với hoạt động thương mại trá hình; và

(b) không giới hạn hoạt động chuyển giao thông tin vượt mức yêu cầu nhằm đạt được mục tiêu đó.

Điều 14.12: Chia sẻ phí kết nối Internet

Các Bên phải nhận thức rằng nhà cung cấp tìm kiếm đối tác kết nối Internet quốc tế có thể đàm phán với các nhà cung cấp của Bên khác nhằm mục đích thương mại. Những nghĩa vụ này có thể bao gồm các cuộc đàm phán liên quan đến bồi thường thiệt hại đối với việc thành lập, vận hành và bảo dưỡng các cơ sở hạ tầng của các nhà cung cấp liên quan này.

Điều 14.13: Địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin

1. Các Bên phải thừa nhận rằng mỗi Bên có các yêu cầu quản lý của riêng mình liên quan đến việc sử dụng của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm các yêu cầu đưa ra nhằm cố gắng bảo đảm an ninh và bảo mật của hoạt động truyền thông.

2. Không Bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của Chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của Bên mình để xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó.

3. Không quy định nào trong Điều này có thể nghiêm cấm Bên tham gia Hiệp định này ban hành hoặc duy trì các biện pháp không phù hợp với khoản 2 để đạt được mục tiêu chính sách công hợp lý với điều kiện là biện pháp đó:

(a) không được áp dụng theo cách mà có thể tạo ra sự thiếu công bằng và không hợp lý hoặc hạn chế đối với hoạt động thương mại một cách trá hình; và

(b) không giới hạn việc sử dụng hoặc địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin vượt mức yêu cầu để đạt mục tiêu đó.

Điều 14.14: Tin nhắn thương mại điện tử không mong muốn8

1. Mỗi Bên phải ban hành hoặc duy trì các biện pháp liên quan đến tin nhắn thương mại điện tử không mong muốn mà:

(a) yêu cầu nhà cung cấp các nhà cung cấp các tin nhắn thương mại điện tử không mong muốn đó phải tạo điều kiện cho khách hàng ngăn chặn việc nhận những tin nhắn thuộc dạng này;

(b) yêu cầu phải nhận được sự đồng ý từ người nhận khi gửi họ các thông điệp thương mại điện tử theo quy định pháp luật của mỗi Bên; hoặc

(c) có lộ trình giảm thiểu tối đa các tin nhắn thương mại điện tử không mong muốn.

2. Mỗi Bên phải quy định các biện pháp chế tài đối với nhà cung cấp các tin nhắn thương mại điện tử không mong muốn nếu họ không tuân thủ các biện pháp được ban hành hoặc duy trì theo quy định tại khoản 1.

3. Các Bên phải cố gắng hợp tác trong điều kiện thích hợp có sự quan tâm từ hai bên liên quan đến việc kiểm soát các tin nhắn thương mại điện tử không mong muốn.

Điều 14.15: Hợp tác

Trên cơ sở nhận thức tính chất toàn cầu của thương mại điện tử, các Bên phải cố gắng:

(a) phối hợp cùng nhau để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vượt qua những rào cản trong việc khai thác hoạt động thương mại điện tử;

(b) trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm về các quy định, chính sách, việc thực thi và tuân thủ liên quan đến hoạt động thương mại điện tử, bao gồm:

(i) bảo vệ thông tin cá nhân;

(ii) bảo vệ khách hàng trên mạng bao gồm phương thức đối với việc thực hiện bồi thường thiệt hại cho khách hàng và xây dựng lòng tin của khách hàng;

(iii) các tin nhắn thương mại điện tử không mong muốn; (iv) an ninh trong hoạt động thông tin điện tử;

(v) hoạt động chứng thực; và

(vi) chính phủ điện tử;

(c) trao đổi thông tin và chia sẻ quan điểm về khả năng tiếp cận của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp qua mạng giữa các Bên;

(d) tích cực tham gia vào các diễn đàn hợp tác khu vực và đa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử; và

(e) khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân vào việc phát triển các biện pháp tự kiểm soát mà có thể thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, kể cả đối với các mã hàng hóa, hợp đồng mẫu, các hướng dẫn và cơ chế thực thi.

Điều 14.16: Hợp tác về các vấn đề an toàn thông tin

Các Bên phải nhận thức tầm quan trọng của:

(a) việc xây dựng năng lực cho các cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về việc xử lý sự cố an toàn máy tính; và

(b) sử dụng các cơ chế phối hợp hiện tại để phối hợp xác định và hạn chế thiệt hại của hành vi xâm nhập có động cơ xấu hoặc việc phát tán mã độc gây ảnh hưởng đến hệ thống mạng điện tử của các Bên.

Điều 14.17: Mã nguồn

1. Không Bên nào được phép yêu cầu việc chuyển giao hoặc truy cập vào mã nguồn của các phần mềm do đối tượng Bên kia sở hữu để xem đó như là điều kiện để nhập khẩu, phân phối, kinh doanh hoặc sử dụng các phần mềm đó hoặc của các sản phẩm tích hợp phần mềm đó trong phạm vi lãnh thổ của mình.

2. Trong Điều này, phần mềm theo quy định tại khoản 1 được giới hạn lại là các phần mềm được phép kinh doanh trên thị trường đại chúng hoặc các sản phẩm tích hợp phần mềm này và không bao gồm phần mềm được sử dụng cho các cơ sở hạ tầng quan trọng.

3. Không quy định nào trong Điều này có thể ngăn cản:

(a) việc lồng ghép hoặc thực hiện các điều khoản liên quan đến việc cung cấp mã nguồn trong các hợp đồng được đàm phán về mặt thương mại; hoặc

(b) Bên tham gia Hiệp định yêu cầu việc thay đổi mã nguồn của các phần mềm, nếu việc thay đổi này là cần thiết đối với các phần mềm đó phải tuân thủ theo quy định của pháp luật mà không trái với quy định trong Hiệp định này.

4. Điều này không được hiểu là sẽ gây ảnh hưởng đến các yêu cầu liên quan đến các ứng dụng được cấp bằng sáng chế hoặc các bằng sáng chế đã cấp, bao gồm bất kỳ lệnh nào của cơ quan tư pháp liên quan đến các vụ tranh chấp bằng sáng chế phù hợp với các biện pháp tự vệ nhằm đối phó với hành vi công bố thông tin trái phép theo quy định hoặc thông lệ của Bên tham gia Hiệp định.

Điều 14.18: Giải quyết tranh chấp

1. Đối với các biện pháp hiện đang áp dụng, Malaysia không phải tuân thủ theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp quy định tại Điều 28 (Giải quyết tranh chấp) liên quan đến nghĩa vụ của nước này quy định tại Điều 14.4 (Cách thức đối xử không phân biệt đối với các sản phẩm số) và Điều 14.11 (Chuyển giao thông tin xuyên biên giới bằng các phương tiện điện tử) trong thời hạn hai năm kể từ sau ngày Hiệp định này có hiệu lực tại Malaysia.

2. Đối với các biện pháp hiện đang áp dụng, Việt Nam không phải tuân thủ theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp quy định tại Điều 28 (Giải quyết tranh chấp) liên quan đến nghĩa vụ của nước này quy định tại Điều 14.4 (Cách thức đối xử không phân biệt đối với các sản phẩm số) và Điều 14.11 (Chuyển giao thông tin xuyên biên giới bằng các phương tiện điện tử) và Điều 14.13 (Địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin) trong thời hạn hai năm kể từ sau ngày Hiệp định này có hiệu lực tại Việt Nam.

1  Đối với Úc, đối tượng áp dụng không bao gồm các cơ quan báo cáo tín dụng.

Nhằm giải thích rõ hơn, sản phẩm số không bao gồm hình thức trình bày số hóa của công cụ tài chính, kể cả đồng tiền.

3 Định nghĩa của sản phẩm số không nhằm mục đích phản ánh quan điểm của một Bên tham gia Hiệp định trong việc đánh giá xem liệu hoạt động thương mại sản phẩm số thông qua hoạt động truyền phát tín hiệu điện tử là thuộc dạng hoạt động thương mại dịch vụ hay thương mại hàng hóa.

Nhằm giải thích rõ hơn, nếu một sản phẩm số của Bên không tham gia Hiệp định là sản phẩm “tương tự như sản phẩm số”, sản phẩm này sẽ được áp dụng Điều 14.4.1đối với “sản phẩm khác tương tự như sản phẩm số”.

5 Brunei Darussalam và Việt Nam không buộc phải áp dụng Điều này trước ngày các Bên này đưa vào thực hiện khung pháp lý của mình mà trong khung pháp lý đó có quy định về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người khai thác hoạt động thương mại điện tử.

Nhằm giải thích rõ hơn, Bên tham gia Hiệp định có thể tuân thủ theo nghĩa vụ nêu trong khoản này thông qua việc ban hành hoặc duy trì các biện pháp như chính sách riêng tư toàn diện, các luật về bảo vệ thông tin cá nhân hoặc dữ liệu cá nhân, các luật đặc thù của từng lĩnh vực bao gồm cả quyền riêng tư cá nhân, hoặc các quy định pháp luật về thực thi các cam kết tự nguyện của các doanh nghiệp liên quan đến quyền riêng tư cá nhân.

7  Các Bên nhận thức được rằng nhà cung cấp dịch vụ truy cập Internet mà cung cấp cho các khách hàng thuê bao một số nội dung trên cơ sở độc quyền sẽ không thực hiện các chính sách trái với nguyên tắc này.

8 Brunei Darussalam không buộc phải áp dụng quy định trong Điều này trước ngày nước này đưa vào thực hiện khung pháp lý của mình liên quan đến các tin nhắn thương mại điện tử không mong muốn.

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,574

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]