Hiệp định TPP 16/11/2015 15:24 PM

Bản tiếng Việt Hiệp định TPP - Chương 10: Thương mại dịch vụ xuyên biên giới

16/11/2015 15:24 PM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT DỊCH:

Chương 10: Thương mại dịch vụ xuyên biên giới

>> Xem bản Tiếng Anh
>> Tải File Word Hiệp định TPP (tiếng Anh và tiếng Việt) tại đây

 

CHƯƠNG 10

THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ XUYÊN BIÊN GIỚI

Điều 10.1: Giải thích thuật ngữ

Trong Chương này:

Dịch vụ khai thác cảng hàng không là việc cung cấp các dịch vụ khai thác nhà ga, sân bay và các cơ sở hạ tầng khác có thu phí hoặc ký kết hợp đồng. Các dịch vụ khai thác cảng hàng không không bao gồm các dịch vụ điều khiển bay;   

Dịch vụ hệ thống đặt giữ chỗ trên máy tính là các dịch vụ được cung cấp qua hệ thống máy tính chứa các thông tin về lịch bay, vé trống, giá vé và các quy định về vé giúp đặt vé và giữ chỗ trên chuyến bay;

Thương mại dịch vụ xuyên biên giới hoặc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới là việc cung ứng dịch vụ: (a) từ lãnh thổ của Bên này sang lãnh thổ Bên khác; (b) trong lãnh thổ của một Bên cho cá nhân thuộc Bên khác; hoặc (c) do công dân của Bên này đang hoạt động trên lãnh thổ của Bên khác, ngoại trừ trường hợp cung cấp dịch vụ trong lãnh thổ của một Bên thông qua dự án đầu tư được bảo đảm;

Doanh nghiệp là doanh nghiệp quy định tại Điều 1.3 (Định nghĩa chung) và chi nhánh của một doanh nghiệp;

Doanh nghiệp của một Bên là doanh nghiệp được thành lập hoặc tổ chức theo đúng quy định pháp luật của một Bên, hoặc chi nhánh đặt tại lãnh thổ của một Bên và thực hiện các hoạt động kinh doanh tại đó;

Dịch vụ khai thác mặt đất là việc cung ứng tại cảng hàng không có tính phí hoặc theo hợp đồng ký kết các dịch vụ sau: đại diện, quản lý và giám sát các hãng hàng không; vận chuyển hành khách; vận chuyển hành lý; các dịch vụ xe thang lên tàu bay; dịch vụ phục vụ thực phẩm, ngoại trừ hoạt động chuẩn bị thức ăn; bốc dỡ hàng hóa và bưu phẩm; nạp nhiên liệu cho tàu bay; bảo dưỡng và vệ sinh tàu bay; vận tải mặt đất; dịch vụ khai thác bay, quản lý đội bay và lập kế hoạch bay. Các dịch vụ khai thác mặt đất không bao gồm dịch vụ tự khai thác; an ninh; bảo trì sửa chữa tàu bay; bảo dưỡng ngoại trường, sửa chữa và bảo trì tàu bay; quản lý hoặc khai thác các cơ sở hạ tầng cảng hàng không thiết yếu được quản lý tập trung như các thiết bị phá băng, hệ thống phân phối nhiên liệu, hệ thống vận chuyển hành lý và hệ thống vận tải cố định trong sân bay;     

Các biện pháp do một Bên ban hành hoặc duy trì là các biện pháp được ban hành hoặc duy trì bởi:  (a) chính quyền hoặc cơ quan quản lý cấp trung ương, khu vực hoặc địa phương; hoặc (b) các đơn vị ngoài công lập trong quá trình thực hiện quyền hạn được phân cấp bởi chính quyền hoặc cơ quan quản lý cấp trung ương, khu vực hoặc địa phương;

Chào bán và tiếp thị các dịch vụ vận tải hàng không là các cơ hội cho các đơn vị vận tải hàng không liên quan bán và tiếp thị một cách tự do các dịch vụ vận tải hàng không, kể cả các hoạt động tiếp thị như nghiên cứu thị trường, quảng cáo và phân phối.  Các hoạt động này không bao gồm việc xác định mức giá của các dịch vụ vận tải hàng không hoặc các điều kiện áp dụng;

Dịch vụ được cung cấp thông qua việc thực hiện thẩm quyền quản lý nhà nước của mỗi Bên là bất kỳ dịch vụ nào được cung cấp không phải vì mục đích thương mại lẫn cạnh tranh với một hoặc các nhà cung cấp dịch vụ khác;

Nhà cung cấp dịch vụ của một Bên là cá nhân của Bên tìm cách để cung cấp hoặc đang cung cấp một loại dịch vụ nào đó; và

Dịch vụ hàng không đặc biệt là các hoạt động thương mại chuyên biệt mà sử dụng tàu bay phục vụ chủ yếu cho mục đích không phải là chuyên chở hàng hóa hoặc hành khách, bao gồm cứu hỏa bằng trực thăng, huấn luyện bay, tham quan ngắm cảnh, phun xịt hóa chất, khảo sát, vẽ bản đồ, nhiếp ảnh, nhảy dù, kéo tàu lượn và dịch vụ trực thăng cẩu dùng trong việc đốn cây và xây dựng cùng với các dịch vụ hàng không phục vụ cho ngành nông nghiệp, công nghiệp và kiểm định.

Điều 10.2: Phạm vi áp dụng

1. Chương này áp dụng đối với các biện pháp được một Bên ban hành hoặc duy trì nhằm có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại xuyên biên giới được cung cấp bởi những nhà cung cấp dịch vụ của Bên khác. Các biện pháp này bao gồm những biện pháp có thể tác động đến:

(a) hoạt động sản xuất, phân phối, tiếp thị, kinh doanh hoặc cung ứng dịch vụ;

(b) hoạt động thu mua hoặc sử dụng dịch vụ hoặc thanh toán phí dịch vụ;

(c) cơ hội tiếp cận và sử dụng các mạng lưới và dịch vụ phân phối, vận chuyển hoặc viễn thông có liên quan đến việc cung ứng dịch vụ;

(d) khả năng hiện diện của nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia trên lãnh thổ của Bên này; và

(e) hoạt động cấp bảo lãnh hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác để thỏa mãn điều kiện đối với việc cung ứng dịch vụ.

2. Ngoài các quy định trong khoản 1:

(a) các quy định của Điều 10.5 (Xâm nhập thị trường), Điều 10.8 (Quy định trong nước) và Điều 10.1 (Tính minh bạch) cũng sẽ được áp dụng đối với các biện pháp do một Bên ban hành hoặc duy trì có tác động đến việc cung cấp dịch vụ trong lãnh thổ của Bên này bằng hình thức đầu tư được bảo đảm 1; và

(b) các quy định trong Phụ lục 10-B (Dịch vụ phát chuyển nhanh) cũng sẽ được áp dụng đối với các biện pháp do một Bên ban hành hoặc duy trì có tác động đến việc cung cấp các dịch vụ phát chuyển nhanh, kể cả khi được thực hiện bằng hình thức đầu tư được bảo đảm

3. Chương này không áp dụng đối với:

(a) các dịch vụ tài chính quy định trong Điều 11.1 (Giải thích từ ngữ). Riêng các quy định tại khoản 2(a) sẽ được áp dụng nếu dịch vụ tài chính được cung cấp thông qua hoạt động đầu tư được bảo đảm nhưng không phải dưới hình thức đầu tư được bảo đảm vào một tổ chức tài chính như quy định tại Điều 11.1 (Giải thích từ ngữ) diễn ra trên lãnh thổ của Bên tham gia Hiệp định; 

(b) mua sắm chính phủ;

(c) các dịch vụ được cung cấp qua hoạt động thực hiện thẩm quyền quản lý nhà nước; hoặc

(d) các chế độ trợ cấp hoặc hỗ trợ của Bên tham gia Hiệp định, bao gồm các khoản vay, các khoản bảo đảm và bảo hiểm được chính phủ hỗ trợ.  

4. Chương này không ràng buộc Bên tham gia Hiệp định với bất kỳ nghĩa vụ nào liên quan đến việc người mang quốc tịch của Bên kia đang tìm tiếp cận thị trường việc làm hoặc đang được thuê làm việc dài hạn trên lãnh thổ của mình cũng như không trao quyền cho cá nhân đó đối với việc tiếp cận hoặc tìm được việc làm nói trên.

5. Chương này không áp dụng đối với các dịch vụ hàng không, cụ thể như các dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và quốc tế, bất kể là có theo hay không theo lộ trình, hoặc các dịch vụ có liên quan phục vụ cho các dịch vụ hàng không, khác với các dịch vụ sau đây: 

(a) dịch vụ sửa chữa và bảo trì tàu bay mà trong thời gian đó tàu bay không được phép hoạt động, ngoại trừ dịch vụ bảo dưỡng ngoại trường;

(b) hoạt động bán và tiếp thị các dịch vụ vận tải hàng không; (c) dịch vụ hệ thống đặt giữ chỗ trên máy tính;

(d) dịch vụ hàng không đặc biệt;

(e) dịch vụ khai thác cảng hàng không; và

(f) các dịch vụ khai thác mặt đất.

6. Trong trường hợp phát sinh sự không thống nhất giữa Chương này với một hiệp định về dịch vụ hàng không song phương hoặc đa phương mà có từ hai Bên tham gia Hiệp định này là thành viên ký kết thì điều khoản thỏa thuận trong hiệp định đó sẽ được áp dụng trong việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ của các Bên tham gia Hiệp định này là thành viên của hiệp định đó.  

7. Nếu có từ hai Bên tham gia Hiệp định này trở lên có nghĩa vụ tương tự như quy định trong Hiệp định này và hiệp định về dịch vụ hàng không song phương hoặc đa phương, các Bên đó chỉ có thể tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp quy định trong Hiệp định này sau khi tất cả các thủ tục giải quyết tranh chấp theo quy định của hiệp định khác đó đã được thực hiện.

8. Trong trường hợp phần Phụ lục về các Dịch vụ Vận tải Hàng không của Hiệp định chung về thương mại dịch vụ (GATS) được bổ sung, sửa đổi, các Bên phải cùng nhau rà soát lại các định nghĩa mới bổ sung, sửa đổi nhằm mục đích thống nhất phần định nghĩa trong Hiệp định này với các định nghĩa đó nếu thấy cần thiết.

Điều 10.3: Nguyên tắc đối xử quốc gia2

1. Mỗi Bên sẽ dành cho dịch vụ và các nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia cách đối xử không kém hơn cách đối xử mà Bên đó dành cho các dịch vụ và nhà đầu tư của mình trong những hoàn cảnh tương tự.

2. Nhằm giải thích rõ hơn, cách thức đối xử của Bên này áp dụng đối với Bên kia theo quy định tại khoản 1 trên phương diện cấp chính quyền khu vực có nghĩa là cách thức đối xử không kém hơn cách thức đối xử tối huệ quốc mà cấp chính quyền khu vực áp dụng cho nhà cung cấp dịch vụ của Bên nơi cấp chính quyền này đang hoạt động.

Điều 10.4: Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc

Mỗi Bên sẽ dành cho các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia cách thức đối xử không kém hơn cách thức đối xử mà Bên đó dành cho các dịch vụ và nhà đầu tư của bất kỳ Bên nào khác hoặc của Bên không tham gia Hiệp định trong những hoàn cảnh tương tự.

Điều 10.5: Xâm nhập thị trường

Ở cấp độ của một đơn vị quản lý hành chính vùng hoặc toàn lãnh thổ, không Bên tham gia Hiệp định nào được phép áp dụng hoặc duy trì các biện pháp như sau:

(a) các biện pháp áp đặt hạn mức đối với:

(i) số lượng nhà cung cấp dịch vụ, bất kể là dưới hình thức hạn ngạch bằng số, hàng hóa, dịch vụ độc quyền, nhà cung cấp dịch vụ độc quyền hoặc yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế;

(ii) tổng giá trị các giao dịch dịch vụ hoặc tổng giá trị tài sản dưới hình thức hạn ngạch bằng số hoặc yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế;

(iii) tổng số lượng các hoạt động dịch vụ hoặc tổng sản lượng dịch vụ được tính bằng đơn vị đo lường quy định dưới dạng hạn ngạch hoặc yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế;3hoặc 

(iv) tổng số cá nhân có thể được thuê làm việc trong lĩnh vực dịch vụ cụ thể hoặc tổng số người mà nhà cung cấp dịch vụ có thể thuê và tổng số người cần thiết và có liên quan trực tiếp đến việc cung cấp một loại hình dịch vụ cụ thể dưới dạng hạn ngạch bằng số hoặc yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế; hoặc 

(b) các biện pháp hạn chế hoặc yêu cầu đối với các hình thức pháp nhân cụ thể hoặc liên doanh mà nhờ các hình thức đó mà nhà cung cấp dịch vụ có thể cung cấp một loại hình dịch vụ.

Điều 10.6: Sự hiện diện tại địa phương

Không Bên tham gia Hiệp định nào được phép buộc nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia phải thành lập hoặc duy trì văn phòng đại diện hoặc bất kỳ hình thức doanh nghiệp nào khác, hoặc buộc nhà cung cấp đó phải là cá nhân cư trú trong lãnh thổ của mình để xem đó như là điều kiện để cho phép cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Điều 10.7: Biện pháp không tương thích

1. Điều 10.3 (Nguyên tắc đối xử quốc gia), Điều 10.4 (Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc), Điều 10.5 (Xâm nhập thị trường) và Điều 10.6 (Sự hiện diện tại địa phương) không áp dụng đối với:

(a) bất kỳ biện pháp không tương thích nào được duy trì bởi một Bên tham gia Hiệp định ở:

(i) cấp chính quyền trung ương theo quy định của Bên tham gia Hiệp định trong Biểu cam kết thuộc Phụ lục I;

(ii) cấp chính quyền khu vực theo quy định của Bên tham gia Hiệp định trong Biểu cam kết thuộc Phụ lục I; hoặc

(iii) cấp chính quyền địa phương;

(b) việc tiếp tục thực hiện hoặc gia hạn kịp thời bất kỳ biện pháp không tương thích nào quy định tại điểm (a); hoặc

(c) việc chỉnh sửa, bổ sung bất kỳ biện pháp không tương thích nào quy định tại điểm (a) nếu việc chỉnh sửa, bổ sung đó không làm giảm đi tính thích hợp của biện pháp đó với Điều 10.3 (Nguyên tắc đối xử quốc gia), Điều 10.4 (Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc), Điều 10.5 (Xâm nhập thị trường) hoặc Điều 10.6 (Sự hiện diện tại địa phương)4 so với thời điểm trước khi thực hiện việc chỉnh sửa, bổ sung đó.

2. Điều 10.3 (Nguyên tắc đối xử quốc gia), Điều 10.4 (Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc), Điều 10.5 (Xâm nhập thị trường) hoặc Điều 10.6 (Sự hiện diện tại địa phương) không áp dụng đối với các biện pháp mà một Bên tham gia Hiệp định ban hành hoặc duy trì liên quan đến các lĩnh vực, khía cạnh hoặc hoạt động theo quy định của Bên đó trong Biểu cam kết thuộc phần Phụ lục II.3. Nếu một Bên tham gia Hiệp định cho rằng một biện pháp nào đó không tương thích áp dụng bởi chính quyền cấp khu vực của Bên khác theo quy định tại điểm 1(a)(ii) sẽ gây cản trở nghiêm trọng đến việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới liên quan đến mình, Bên này có thể yêu cầu tiến hành bàn bạc, thảo luận các vấn đề liên quan đến biện pháp đó.  Các Bên tham gia Hiệp định phải tham gia bàn bạc, thảo luận với nhau nhằm trao đổi thông tin về việc thực hiện biện pháp đó và nhằm xem xét các bước tiến hành cần thiết và thích hợp sau đó.5

Điều 10.8: Quy định trong nước

1. Mỗi Bên tham gia Hiệp định phải đảm bảo rằng tất cả các biện pháp áp dụng chung mà gây ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ phải được quản lý một cách hợp lý, khách quan và không thiên vị.

2. Nhằm đảm bảo rằng các biện pháp liên quan đến các yêu cầu và thủ tục chuyên môn, các tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chí cấp giấy phép sẽ không tạo ra những rào cản không cần thiết đối với hoạt động thương mại dịch vụ, nếu đã nhận thức được quyền của mình trong việc kiểm soát và ban hành các quy định mới đối với việc cung cấp các dịch vụ nhằm đáp ứng các chỉ tiêu chính sách, mỗi Bên tham gia Hiệp định phải cố gắng để đảm bảo rằng các biện pháp đó:

(a) được áp dụng dựa trên cơ sở các tiêu chí khách quan và minh bạch như năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ đó; và

(b) được áp dụng trong trường hợp thực hiện các thủ tục cấp phép chứ không nhằm hạn chế việc cung cấp dịch vụ đó.

3. Để xác định việc tuân thủ của Bên tham gia Hiệp định với các nghĩa vụ quy định tại khoản 2, Bên đó phải chú trọng áp dụng các chuẩn mực quốc tế của các tổ chức quốc tế liên quan.6

4. Nếu một Bên tham gia Hiệp định có nhu cầu được cấp phép tham gia cung cấp dịch vụ, Bên đó phải bảo đảm rằng các cơ quan chức năng của mình:

(a) trong thời hạn thích hợp kể từ sau khi nộp hồ sơ xin cấp phép được xem là hồ sơ hoàn chỉnh theo quy định pháp luật của Bên đó, thông báo cho Bên xin phép đó về quyết định liên quan đến hồ sơ xin cấp phép của mình;

(b) nếu thấy thích hợp, lên kế hoạch rõ ràng về thời gian thụ lý hồ sơ;    

(c) nếu hồ sơ đó bị từ chối, nếu thấy thích hợp, thông báo cho Bên xin cấp phép lý do từ chối một cách gián tiếp hoặc khi có yêu cầu;

(d) trên cơ sở yêu cầu từ Bên xin cấp phép, cung cấp thông tin kịp thời liên quan đến tình trạng của hồ sơ xin cấp phép;

(e) nếu thấy thích hợp, tạo cơ hội cho Bên xin cấp phép được chỉnh sửa lỗi, khắc phục các thiếu sót phát sinh trong hồ sơ và tích cực hướng dẫn thông tin bổ sung cần thiết; và

(f) nếu thấy hợp lý, chấp nhận các bản sao hồ sơ đã được chứng thực theo quy định pháp luật của Bên đó thay cho hồ sơ gốc.    

5. Mỗi Bên phải bảo đảm rằng khoản phí xin cấp phép do các cơ quan chức năng của mình áp dụng phải hợp lý, minh bạch và không hạn chế hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan.7

6. Trường hợp các yêu cầu cấp phép và năng lực chuyên môn có điều kiện là Bên xin cấp phép phải vượt qua kỳ thi kiểm tra, mỗi Bên tham gia Hiệp định phải cam kết:

(a) hai kỳ kiểm tra phải được tổ chức cách nhau một khoảng thời gian hợp lý; và 

(b) thời gian tổ chức phải phù hợp để khuyến khích cá nhân quan tâm nộp đơn dự thi.

7. Mỗi Bên tham gia Hiệp định phải chuẩn bị các thủ tục của mình để đánh giá năng lực của các nhà chuyên môn thuộc Bên kia.

8. Các khoản từ 1 đến 7 không áp dụng đối với các nội dung không tương thích của các biện pháp không tuân theo các quy định về nghĩa vụ theo quy định tại Điều 10.3 (Nguyên tắc đối xử quốc gia) hoặc Điều 10.5 (Xâm nhập thị trường) vì lý do bị điều chỉnh bởi một mục nào đó trong Biểu cam kết của một Bên tham gia Hiệp định thuộc phần Phụ lục I, hoặc không áp dụng đối với các biện pháp không tuân theo các quy định về nghĩa vụ theo quy định tại Điều 10.3 (Nguyên tắc đối xử quốc gia) hoặc Điều 10.5 (Xâm nhập thị trường) vì lý do bị điều chỉnh bởi một mục nào đó trong Biểu cam kết của một Bên tham gia Hiệp định thuộc phần Phụ lục II. 

9. Nếu các kết quả đạt được sau các buổi đàm phán liên quan đến khoản 4 của Điều VI trong Hiệp định GATS, hoặc các kết quả tương tự đạt được sau các buổi đàm phán tương tự được thực hiện trong các vòng đàm phán đa phương mà các Bên tham gia, bắt đầu có hiệu lực thực hiện, các Bên phải phối hợp đánh giá các kết quả này nhằm mục đích đưa chúng vào áp dụng nếu thấy phù hợp theo quy định tại Hiệp định này.

Điều 10.9: Điều khoản thừa nhận

1. Nhằm mục đích thỏa mãn (toàn bộ hay một phần) tiêu chuẩn hoặc tiêu chí của một Bên tham gia Hiệp định đối với việc cấp phép hoặc cấp giấy chứng nhận cho nhà cung cấp dịch vụ và căn cứ theo quy định tại khoản 4, Bên này có thể thừa nhận trình độ giáo dục, kinh nghiệm chuyên môn, các tiêu chí hợp chuẩn, các bằng cấp hoặc chứng chỉ do Bên khác cấp hoặc chứng nhận trong lãnh thổ của Bên đó hoặc của Bên không tham gia Hiệp định. Việc thừa nhận mà có thể đạt được thông qua sự hòa hợp trong cách thức thực hiện giữa các bên hoặc qua bất kỳ hình thức nào khác có thể căn cứ theo các thoả thuận hoặc giao ước với Bên hoặc Bên không tham gia Hiệp định liên quan, hoặc có thể được thực hiện theo hình thức tự thừa nhận.

2. Trong trường hợp một Bên tham gia Hiệp định thừa nhận (thông qua hình thức tự thừa nhận hoặc thừa nhận bằng thỏa thuận hoặc giao ước) trình độ giáo dục, kinh nghiệm chuyên môn, các tiêu chí hợp chuẩn, các bằng cấp hoặc chứng chỉ do Bên khác cấp hoặc chứng nhận trong lãnh thổ của Bên khác hoặc của Bên không tham gia Hiệp định, các quy định tại Điều 10.4 (Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc) sẽ không có quy định yêu cầu Bên tham gia Hiệp định phải thừa nhận trình độ giáo dục, kinh nghiệm chuyên môn, các tiêu chí hợp chuẩn, các bằng cấp hoặc chứng chỉ do bất kỳ Bên nào khác cấp hoặc chứng nhận trong lãnh thổ của Bên đó.  

3. Bên tham gia Hiệp định đồng thời là thành viên của các thỏa thuận hoặc giao kèo hiện tại hoặc trong tương lai theo quy định tại khoản 1 phải tạo cơ hội đủ để cho Bên kia đàm phán tham gia các thỏa thuận hoặc giao kèo đó khi có yêu cầu, hoặc đàm phán một thỏa thuận hoặc giao kèo khác tương đương. Trường hợp Bên tham gia Hiệp định tự chủ trong việc thực hiện thừa nhận, Bên đó phải tạo cơ hội đủ để cho Bên kia chứng minh rằng trình độ giáo dục, kinh nghiệm chuyên môn, các tiêu chí hợp chuẩn, các bằng cấp hoặc chứng chỉ do Bên khác cấp hoặc chứng nhận trong lãnh thổ của Bên mình là đủ cơ sở để được thừa nhận.

4. Bên tham gia Hiệp định sẽ không cấp thừa nhận cho Bên khác nếu như việc cấp thừa nhận đó có thể gây ra sự phân biệt đối xử giữa các Bên hoặc giữa Bên tham gia Hiệp định và Bên không tham gia Hiệp định đối với việc áp dụng các tiêu chuẩn hoặc tiêu chí của mình đối với việc cho phép, cấp phép hoặc cấp chứng nhận cho nhà cung cấp dịch vụ, hoặc đối với việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại dịch vụ trá hình khác.

5. Căn cứ theo quy định tại phần Phụ lục 10-A (Dịch vụ chuyên môn), các Bên tham gia Hiệp định phải cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại dịch vụ chuyên môn thông qua các phương thức như thành lập Nhóm công tác về Dịch vụ chuyên môn.

Điều 10.10: Khước từ lợi ích

1. Bên tham gia Hiệp định được quyền khước từ lợi ích nêu trong Chương này dành cho nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia nếu nhà cung cấp dịch vụ đó là một doanh nghiệp do cá nhân thuộc Bên không tham gia Hiệp định sở hữu hoặc kiểm soát, đồng thời Bên từ chối có quyền ban hành hoặc duy trì các biện pháp đối với Bên không tham gia Hiệp định mà nghiêm cấm các giao dịch với doanh nghiệp đó hoặc có thể bị vi phạm hoặc cản trở thực hiện nếu các lợi ích nêu trong Chương này được trao cho doanh nghiệp đó.

2. Bên tham gia Hiệp định được quyền khước từ lợi ích nêu trong Chương này dành cho nhà cung cấp dịch vụ của Bên kia nếu nhà cung cấp dịch vụ đó là một doanh nghiệp thuộc sở hữu hoặc quyền kiểm soát của cá nhân của một Bên không tham gia Hiệp định hoặc cá nhân của Bên từ chối lợi ích mà không có bất kỳ hoạt động kinh doanh quan trọng trong lãnh thổ của Bên không phải Bên từ chối lợi ích đó.

Điều 10.11: Tính minh bạch

1. Mỗi Bên tham gia Hiệp định phải duy trì hoặc thiết lập các cơ chế phù hợp để đáp ứng các đòi hỏi từ các cá nhân có lợi ích liên quan về các quy định đối với đối tượng áp dụng trong Chương này.8 

2. Trường hợp Bên tham gia Hiệp định không thông báo trước và tạo cơ hội cho việc đóng góp ý kiến theo quy định tại Điều 26.2.2 (Công khai) về các quy định liên quan đến đối tượng áp dụng trong Chương này, trong phạm vi có thể của mình, Bên này phải cho biết hoặc thông báo lý do bằng văn bản để giải thích tại sao không thực hiện việc nêu trên.     

3. Trong phạm vi có thể của mình, mỗi Bên tham gia Hiệp định phải quy định thời gian hợp lý giữa hoạt động công khai các quy định cuối cùng và thời điểm các quy định này có hiệu lực thực hiện.

Điều 10.12: Hoạt động thanh toán và chuyển giao9

1. Mỗi Bên tham gia Hiệp định cho phép các hoạt động chuyển giao và thanh toán liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới được thực hiện một cách tự do và kịp thời trong và ngoài lãnh thổ của mình.

2. Mỗi Bên tham gia Hiệp định cho phép các hoạt động chuyển giao và thanh toán liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới được thực hiện một cách tự do bằng đơn vị tiền tệ được phép lưu thông tự do theo tỷ giá hối đoái xác định tại thời điểm chuyển giao.

3. Đồng thời với việc tuân thủ theo các quy định tại khoản 1 và 2, Bên tham gia Hiệp định có quyền ngăn chặn hoặc đình chỉ hoạt động chuyển giao hoặc thanh toán thông qua việc áp dụng các quy định pháp luật 10một cách công bằng, không phân biệt đối xử và chân thành liên quan đến:

(a) phá sản, vỡ nợ hoặc các biện pháp bảo vệ các quyền lợi của bên cấp tín dụng;

(b) hoạt động phát hành hoặc kinh doanh các loại chứng khoán, hợp đồng tương lai, quyền chọn hoặc phái sinh;

(c) báo cáo tài chính hoặc hạch toán các hoạt động chuyển giao khi cần thiết để hỗ trợ cho việc thực thi pháp luật hoặc trợ giúp các cơ quan quản lý tài chính; 

(d) các hành vi vi phạm hình sự; hoặc

(e) bảo đảm tuân thủ theo các quyết định hoặc phán quyết qua việc thực hiện các thủ tục tố tụng tư pháp hoặc hành chính.

Điều 10.13: Các vấn đề khác

Các Bên tham gia Hiệp định thừa nhận vai trò quan trọng của các dịch vụ hàng không trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mở rộng giao thương và kích thích tăng trưởng kinh tế. Mỗi Bên tham gia Hiệp định có thể xem xét hợp tác với các Bên khác thông qua các buổi đàm phán thích hợp đối với vấn đề tự do hóa các dịch vụ hàng không, chẳng hạn như thông qua các thỏa thuận cho phép các đơn vị vận tải hàng không được quyền tự do quyết định lộ trình và tần suất hoạt động.

 

1 Nhằm giải thích rõ hơn, các quy định trong Chương này, kể cả các phần Phụ lục 10-A (Dịch vụ chuyên nghiệp), 10-B (Dịch vụ phát chuyển nhanh) và 10-C (Biện pháp không tương thích theo cơ chế bánh cóc) không phụ thuộc vào quy định về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia thành viên Hiệp định theo quy định tại Mục B của Chương 9 (Đầu tư). 

2   Nhằm giải thích rõ hơn, bất kể là cách thức đối xử được áp dụng trong “hoàn cảnh tương tự” theo quy định của Điều 10.3 (Nguyên tắc đối xử quốc gia) hay theo quy định của Điều 10.4 (Nguyên tắc đối xử tối huệ quốc) thì cũng phụ thuộc vào sự tổng hòa của các hoàn cảnh, trong đó bất chấp cách thức đối xử hợp lý được áp dụng khác nhau giữa các dịch vụ hoặc nhà cung cấp dịch vụ trên cơ sở các mục tiêu phúc lợi công cộng hợp pháp.

3   Điểm (a)(iii) không quy định các biện pháp của Bên tham gia Hiệp định mà có thể giới hạn nguồn đầu tư vào việc cung cấp các loại dịch vụ này.

4   Đối với trường hợp của Việt Nam, phần Phụ lục 10-C sẽ được áp dụng.

5      Nhằm giải thích rõ hơn, Bên tham gia Hiệp định có thể yêu cầu tiến hành bàn bạc, thảo luận với Bên khác liên quan đến các biện pháp không tương thích được cấp chính quyền trung ương áp dụng theo đúng quy định tại điểm 1(a)(i).

6   “Các tổ chức quốc tế liên quan” là các cơ quan quốc tế mà các cơ quan liên quan của tất cả các Bên tham gia Hiệp định đều được phép đăng ký tham gia làm thành viên.

7  Tại khoản này, các khoản phí xin cấp phép không bao gồm các khoản phí đối với hoạt động sử dụng tài nguyên thiên nhiên, các khoản chi trả khi tham gia đấu giá, dự thầu hoặc các hình thức cấp ưu đãi không phân biệt đối xử hoặc các khoản đóng góp được cho phép đối với hoạt động cung cấp dịch vụ trên toàn cầu.

8  Việc thực hiện nghĩa vụ duy trì hoặc thiết lập các cơ chế phù hợp cần phải chú ý đến các hạn chế về nguồn lực và ngân sách của các cơ quan quản lý hành chính có quy mô nhỏ.

9   Nhằm giải thích rõ hơn, các qui định tại Điều này không bị chi phối bởi các quy định trong phần Phụ lục 9-E (Chuyển giao).

10  Nhằm giải thích rõ hơn, các quy định trong Điều này không ngăn cản việc áp dụng các quy định pháp luật của một Bên tham gia Hiệp định đối với các chính sách an sinh xã hội, hưu trí hoặc tiết kiệm bắt buộc một cách công bằng, không phân biệt đối xử và chân thực.

TẢI PHỤ LỤC CHƯƠNG 10 TẠI ĐÂY

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 28,277

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]