Kính chào luật sư!
Vừa qua tôi có thỏa thuận mua lại của cô A một miếng đất ở diện tích 76m2, hai bên đã thỏa thuận xong giá chuyển nhượng và tôi đã đặt cọc số tiền 100.000.000,0 đ (có viết giấy biên nhận), giấy tờ bên bán chỉ có: giấy chứng nhận QSDĐ không chính chủ (do cô A chưa làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ); hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ giữa cô A và ông B có chứng thực của phòng công chứng chuyển nhượng QSDĐ sang đứng tên sở hữu của hai vợ chồng cô A (hợp đồng này bên mua một mình cô A ký do người chồng hiện đang đi tàu không có ở nhà); giấy ủy quyền của chồng cô A cho cô A có xác nhận của thuyền trưởng không có xác nhận của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán) công chứng, chứng thực . Vì vậy đến khi hai bên làm thủ tục ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ công chứng viên không đồng ý chứng thực bản hợp đồng này và yêu cầu bên bán: thứ nhất phải hoàn tất thủ tục chuyển nhượng QSDĐ sang tên vợ chồng cô A, thứ hai giấy ủy quyền của chồng cô A cho cô A phải có xác nhận của Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (Đại sứ quán, Lãnh sự quán) công chứng, chứng thực. Thời gian để hoàn tất các giấy tờ này có thể kéo dài mất vài tháng. Tuy nhiên hiện nay cô A liên tục yêu cầu tôi chuyển nốt số tiền còn lại kể cả trong khi hai bên vẫn chưa ký được hợp đồng chuyển nhượng và có ý sẽ xem xét hủy giao dịch nếu tôi không đồng
ý chuyển nốt số tiền . Và việc này hiện nay làm tôi hết sức phân vẫn chưa biết xử lý ra sao. Nếu trong trường hợp chưa ký được hợp đồng chuyển nhượng mà chuyển hết tiền cho cô A có rủi ro gì không? trách nhiện của cô A với số tiền đặt cọc của tôi như thế nào? có bị phạt hay không nếu cô A là người đơn phương từ chối việc giao kết.
Vậy theo Luật Sư
thì tôi phải làm như thế nào để vẫn có thể tiến hành giao dịch mua mảng đất này mà vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên mua.
Rất mong được luật sư tư vấn.
Xin chân thành cảm ơn!
Chào bạn,
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải lập hợp đồng có xác nhận của công chứng, do đó, khi công chứng viên đã từ chối chứng thực vào hợp đồng mà bạn vẫn chuyển tiền cho bên chuyển nhượng thì chắc chắn là có rủi ro rồi. Việc xử lý tài sản đặt cọc thì còn phải căn cứ vào các thỏa thuận cụ thể của các bên trong hợp đồng đặt cọc và việc xác định lỗi của bên nào dẫn đến hợp đồng chuyển nhượng không được thực hiện.
Tuy nhiên, bạn có thể thỏa thuận với các bên liên quan để thực hiện việc chuyển nhượng theo cách thức như sau xem sao nhé: trước hết cô A và bên bán (ông B- người đứng tên trên giấy chứng nhận QSDĐ) sẽ làm thủ tục hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đã công chứng, ngay sau đó, bạn sẽ ký hợp đồng chuyển nhượng với ông B, việc thanh toán do các bên thỏa thuận (các thủ tục này đều phải thực hiện tại (văn) phòng công chứng). Theo phương thức này, không đòi hỏi phải có giấy ủy quyền của chồng cô A.
Chúc bạn thành công,
Trân trọng,
Ls Phạm Văn Phất.