HĐLĐ có điều khoản trái luật, bất lợi cho người lao động
Luật sư Nguyễn Thị Quyên - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
- Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ) quy định:
“1. HĐLĐ phải có những nội dung chủ yếu sau đây:… i) BHXH và BHYT” (điểm i khoản 1 Điều 23 BLLĐ).
“1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về BHXH và pháp luật về BHYT.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động thực hiện các hình thức BHXH khác đối với người lao động.” (khoản 1 Điều 186 BLLĐ).
“2. HĐLĐ vô hiệu từng phần khi nội dung của phần đó vi phạm pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng” (khoản 2 Điều 50).
“1. Khi HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau: a) Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của pháp luật; b) Các bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động” (khoản 1 Điều 52).
- Luật BHXH năm 2006 quy định:
“1. Người lao động tham gia BHXH bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm: a) Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên…” (khoản 1 Điều 2).
“2. Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm… doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động” (khoản 2 Điều 2).
HĐLĐ của anh (chị) là hợp đồng có thời hạn 12 tháng. Căn cứ các quy định viện dẫn ở trên, anh (chị) và công ty nơi anh (chị) làm việc thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Như vậy, việc trong HĐLĐ có điều khoản “tự lo BHXH” là trái quy định pháp luật. Điều khoản này sẽ bị vô hiệu, quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của pháp luật lao động.
Thư Viện Pháp Luật