Không trả lương cho NLĐ do làm mất dụng cụ có đúng luật?
Luật gia Nguyễn Tùng Hoa - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định của pháp luật để tham khảo, như sau:
Bộ luật Lao động năm 2012:
“Những hành vi người sử dụng lao động (NSDLĐ) không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động: Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động (NLĐ)” (khoản 1 Điều 20).
“Nguyên tắc trả lương: NLĐ được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn. Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và NSDLĐ phải trả thêm cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương” (Điều 96)
Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS) quy định:
“Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm” (khoản 1 Điều 103)
Như vậy, việc công ty yêu cầu anh phải nộp bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ và giữ lương của anh là đã vi phạm nguyên tắc trả lương được quy định tại Điều 20, Điều 96 BLLĐ. Do đó, anh có thể yêu cầu Cty thực hiện trách nhiệm trả tiền lương, trả giấy tờ. Trường hợp Cty không thực hiện, anh có thể khởi kiện tại Tòa án cấp có thẩm quyền hoặc tố cáo vi phạm nêu trên tới Cơ quan quản lý Nhà nước về lao động.
Về việc Công ty “đe dọa giết”, anh có thể tố giác tới cơ quan công an và yêu cầu xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu xác minh của cơ quan chức năng cho thấy: có căn cứ làm cho người bị đe doạ (thực sự) lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện thì người đe dọa có thể bị xử lý theo quy định của Điều 103 BLHS.
Thư Viện Pháp Luật