Yêu cầu người lao động đặt cọc tiền có trái luật?
Luật sư Phạm Ngọc Minh - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định của pháp luật có liên quan, như sau:
Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:
- Những hành vi người sử dụng lao động (NSDLĐ) không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ): "Yêu cầu NLĐ phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ” (khoản 2 Điều 20).
- Bồi thường thiệt hại: “NLĐ làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của NSDLĐ hoặc tài sản khác do NSDLĐ giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hoả hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường”(khoản 2 Điều 130).
Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: “Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự” (khoản 1 Điều 358).
Căn cứ quy định nêu trên, nếu NSDLĐ yêu cầu NLĐ phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ là trái pháp luật lao động.
Tuy nhiên cần phân biệt rõ, việc NSDLĐ bàn giao cho NLĐ tài sản có giá trị lớn để quản lý, sử dụng, đồng thời hai bên giao kết hợp đồng trách nhiệm, là một quan hệ (dân sự) khác giữa hai bên (mặc dù điều này có liên quan trực tiếp tới quan hệ lao động). Do đó, hai bên có thể thỏa thuận áp dụng một hoặc nhiều biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự (như đặt cọc tiền, bảo lãnh, ký quỹ...).
Vậy, biện pháp đặt cọc mà Công ty anh đang áp dụng là không trái với pháp luật lao động.
Thư Viện Pháp Luật