Con riêng có quyền hưởng thừa kế?
Luật gia Trần Thị Yến - Công ty Luật TNHH Everest - trả lời:
Chúng tôi trích dẫn một số quy định pháp luật để anh tham khảo, như sau:
‘‘Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây: a) Không có di chúc” (khoản 1 Điều 675 Bộ luật Dân sự (BLDS).
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại” (Điều 676 BLDS).
“Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng” (khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Bố anh mất không để lại di chúc, vì vậy theo quy định của BLDS, phần di sản bố anh để lại sẽ được chia theo pháp luật. Bà T và bố anh sống chung nhưng không đăng ký kết hôn nên không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Nói cách khác, pháp luật không công nhận quan hệ vợ chồng giữa hai người này. Nếu không còn quan hệ gì khác thì bà T không thuộc hàng thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 676 BLDS, vì vậy bà T không được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của bố anh.
Về con riêng của bố anh, điểm a khoản 1 Điều 676 BLDS quy định con đẻ thuộc hàng thừa kế thứ nhất, không phân biệt con trong giá thú hay ngoài giá thú, con chung hay con riêng… Vì vậy, con riêng của bố anh với bà T có quyền được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật của bố anh.
Thư Viện Pháp Luật