Người đại diện theo pháp luật của công ty có được ủy quyền giám đốc chi nhánh ký hợp đồng?
Người đại diện theo pháp luật của công ty có được ủy quyền giám đốc chi nhánh ký hợp đồng?
Căn cứ tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về chi nhánh của doanh nghiệp như sau:
Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
1. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
...
Tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:
Đại diện theo ủy quyền
1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
...
Và tại khoản 5 Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về chi nhánh của pháp nhân như sau:
Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân
..
5. Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
6. Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.
Như vậy, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể ủy quyền Giám đốc chi nhánh ký hợp đồng. Theo đó, Giám đốc chi nhánh tham gia ký kết hợp đồng với đối tác trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
Người đại diện theo pháp luật của công ty có được ủy quyền giám đốc chi nhánh ký hợp đồng? (Hình từ Internet)
Nghĩa vụ thông báo khi được ủy quyền ký kết hợp đồng được quy định như thế nào?
Căn cứ tại khoản 4 Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về phạm vi đại diện như sau:
Phạm vi đại diện
1. Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:
a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
b) Điều lệ của pháp nhân;
c) Nội dung ủy quyền;
d) Quy định khác của pháp luật.
2. Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.
Như vậy, khi được người đại diện theo pháp luật ủy quyền ký kết hợp đồng thì người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình theo căn cứ sau:
- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Điều lệ của pháp nhân;
- Nội dung ủy quyền;
- Quy định khác của pháp luật.
Người không có thẩm quyền ký kết hợp đồng thì hợp đồng có hiệu lực không?
Căn cứ tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Như vậy, người không có thẩm quyền ký kết hợp đồng thì hợp đồng không có hiệu lực do không đáp ứng đươc điều kiện về chủ thể ký kết hợp đồng.
Trân trọng!
Võ Ngọc Trúc Quỳnh