Ban hành quyết định cá biệt của Uỷ ban nhân dân xã
Trong vụ việc nói trên, hành vi xô xát, đánh nhau của ông B và ông H đã cấu thành vi phạm hành chính gây rối trật tự công cộng. Hành vi này cần phải được xử phạt kịp thời, đúng mức để răn đe đối tượng, tạo hiệu quả giáo dục, ngăn ngừa với đối tượng và cộng đồng. Trong tình huống này thì Uỷ ban nhân dân xã D đã ra Quyết định xử phạt ông B và ông H mức phạt tiền 200.000 đồng/người. Việc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã D ban hành Quyết định này là thực hiện thẩm quyền ban hành văn bản cá biệt mà Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính quy định đối với chức danh này (theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự an toàn xã hội thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 500.000 đồng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này).
Tuy nhiên, trong Quyết định nói trên lại có quy định “Những trường hợp ẩu đả tương tự mỗi bên đều sẽ phải nộp phạt 200.000 đồng”. Đây là quy định có tính quy phạm (thiết lập nên quy tắc xử sự chung, dự kiến áp dụng với nhiều đối tượng). Trong khi đó, quyết định xử phạt ông B và ông H là quyết định nhằm vào đối tượng cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể, và chỉ áp dụng một lần nên đây là một quyết định hành chính cá biệt. Mặt khác, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân là chức danh không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, nội dung của văn bản hành chính do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã ban hành đúng thẩm quyền của mình không được chứa các quy phạm pháp luật. Việc đưa quy định có tính quy phạm vào văn bản này trái với quy định pháp luật hiện hành. Do đó, văn bản này cần được huỷ bỏ. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã D cần ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác.
Thư Viện Pháp Luật