Chủ sở hữu nhà ở chết thì bên thuê nhà ở có được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng không?

Có được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng khi chủ sở hữu nhà ở chết không? Cho thuê nhà trong bao lâu phải công chứng hợp đồng? Các trường hợp bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở?

Có được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng khi chủ sở hữu nhà ở chết không?

Theo quy định tại Điều 133 Luật Nhà ở 2014 thì quyền tiếp tục thuê nhà ở của bên thuê nhà ở được quy định cụ thể như sau:

Quyền tiếp tục thuê nhà ở
1. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng. Người thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp chủ sở hữu không có người thừa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật thì nhà ở đó thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và người đang thuê nhà ở được tiếp tục thuê theo quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
2. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở chuyển quyền sở hữu nhà ở đang cho thuê cho người khác mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng; chủ sở hữu nhà ở mới có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Khi bên thuê nhà ở chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì người đang cùng sinh sống với bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng thuê nhà ở, trừ trường hợp thuê nhà ở công vụ hoặc các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Theo quy định trên thì khi chủ sở hữu nhà ở chết mà thời hạn thuê nhà ở vẫn còn thì bên thuê nhà ở được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng.

Người thừa kế có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê nhà ở đã ký kết trước đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Trường hợp chủ sở hữu không có người thừa kế hợp pháp theo quy định của pháp luật thì nhà ở đó thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và người đang thuê nhà ở được tiếp tục thuê theo quy định về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

hợp đồng thuê nhà ở

Chủ sở hữu nhà ở chết thì bên thuê nhà ở có được tiếp tục thuê đến hết hạn hợp đồng không? (Hình từ Internet)

Cho thuê nhà trong bao lâu phải công chứng hợp đồng?

Hiện nay căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định như sau:

Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở
...
2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
...

Như vậy, đối với trường hợp các hợp đồng cho thuê nhà ở không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên giao kết hợp đồng có nhu cầu.

Tuy nhiên, mặc dù pháp luật hiện hành quy định hợp đồng cho thuê nhà ở không bắt buộc phải công chứng, chứng thực. Nhưng các bên giao kết hợp đồng cũng cần xem xét kỹ việc có cần thiết phải công chứng hợp đồng hay không, nhất là hợp đồng có giá trị cao.

Luật không bắt buộc, tuy nhiên để có thể bảo vệ được quyền lợi của mình các bạn vẫn có thể đi công chứng để có thể kiểm tra tính pháp lý của căn nhà mà bạn thuê.

Các trường hợp bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở

Theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Luật Nhà ở 2014 thì bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở khi bên cho thuê nhà ở có một trong các hành vi sau đây:

- Không sửa chữa nhà ở khi có hư hỏng nặng;

- Tăng giá thuê nhà ở bất hợp lý hoặc tăng giá thuê mà không thông báo cho bên thuê nhà ở biết trước theo thỏa thuận;

- Khi quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

Khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở, bên thuê nhà ở phải thông báo cho bên cho thuê nhà ở biết trước ít nhất 30 ngày, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; nếu vi phạm quy định tại khoản này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn về các trường hợp bên thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Nhà ở 2014.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở

Tạ Thị Thanh Thảo

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào