Thẩm quyền bổ nhiệm thừa phát lại thuộc người nào?

Ai có thẩm quyền bổ nhiệm Thừa phát lại? Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại bao gồm những gì? Chào anh/chị, em hiện em đang là sinh viên năm cuối, định hướng của em là trở thành thừa phát lại, em muốn biết ai có thẩm quyền bổ nhiệm Thừa phát lại ạ? Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm cần những gì?

Ai có thẩm quyền bổ nhiệm Thừa phát lại?

Căn cứ Khoản 3 Điều 10 Nghị định 08/2020/NĐ-CP có quy định như sau:

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành xác minh hoặc có văn bản đề nghị Sở Tư pháp, cơ quan, tổ chức có liên quan xác minh tiêu chuẩn bổ nhiệm, thông tin trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm trước khi xem xét, quyết định việc bổ nhiệm. Thời gian xác minh không quá 45 ngày, kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Tư pháp có văn bản xác minh; thời gian xác minh không tính vào thời hạn xem xét bổ nhiệm Thừa phát lại nêu tại khoản này.

Như vậy, theo quy định như trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người có thẩm quyền bổ nhiệm Thừa phát lại.

Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại bao gồm những gì?

Theo Khoản 1 Điều 10 Nghị định này người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 của Nghị định này nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật để đối chiếu;

d) Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật bao gồm: Quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội; giấy tờ chứng minh đã miễn nhiệm, thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc thu hồi thẻ đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 của Nghị định này; giấy tờ chứng minh đã nghỉ hưu hoặc thôi việc đối với trường hợp thuộc khoản 3 Điều 11 của Nghị định này;

đ) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề Thừa phát lại để đối chiếu.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bổ nhiệm Thừa phát lại

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào