Vợ mất năng lực hành vi dân sự thì có tiến hành hòa giải tại Tòa án trong tranh chấp ly hôn không?
Vợ mất năng lực hành vi dân sự thì có phải tiến hành hòa giải tại Tòa án trong tranh chấp ly hôn không?
Căn cứ Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định những trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
1. Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
2. Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.
3. Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng.
4. Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
5. Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại.
6. Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
7. Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, chị bạn bị mất năng lực hành vi dân sự đã được Tòa án công nhận mà đang có tranh chấp ly hôn thì không tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Có thể kéo dài thời hạn hòa giải nhiều nhất bao lâu?
Theo Điều 20 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định về thời hạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
1. Thời hạn hòa giải, đối thoại là 20 ngày kể từ ngày Hòa giải viên được chỉ định; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
2. Các bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không quá 02 tháng.
Theo đó, hai bên có thể thống nhất kéo dài thời hạn hòa giải, đối thoại, nhưng không quá 02 tháng.
Trân trọng!
Phan Hồng Công Minh