Có thể dùng ngôn ngữ, ký hiệu trong tố tụng dân sự không?
Có thể dùng ngôn ngữ, ký hiệu trong tố tụng dân sự không?
Căn cứ theo Điều 20 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự như sau:
Tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng dân sự là tiếng Việt.
Người tham gia tố tụng dân sự có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình; trường hợp này phải có người phiên dịch.
Người tham gia tố tụng dân sự là người khuyết tật nghe, nói hoặc khuyết tật nhìn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật; trường hợp này phải có người biết ngôn ngữ, ký hiệu, chữ dành riêng cho người khuyết tật để dịch lại.
Như vậy, trong trường hợp người tham gia là người khuyết tật thì hoàn toàn có quyền dùng ngôn ngữ, ký hiệu dành riêng cho người người khuyết tật nhưng phải có người biết ngôn ngữ và ký hiệu để dịch lại.
Người thân của người khuyết tật có thể làm thông dịch trong phiên tòa không?
Theo Điều 81 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về người phiên dịch như sau:
1. Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch.
2. Người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói cũng được coi là người phiên dịch.
Trường hợp chỉ có người đại diện hoặc người thân thích của người khuyết tật nhìn hoặc người khuyết tật nghe, nói biết được chữ, ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật thì người đại diện hoặc người thân thích có thể được Tòa án chấp nhận làm người phiên dịch cho người khuyết tật đó.
Như vậy, theo quy định thì trong trường hợp chỉ có người đại diện hoặc người thân thích của người khuyết biết ngôn ngữ, ký hiệu thì có thể được Tòa án chấp nhận làm người phiên dịch cho người khuyết tật.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi