Quy định về thẩm quyền ký các văn bản trong hệ thống Tòa án nhân dân
Thẩm quyền ký văn bản đối với Tòa án nhân dân tối cao
Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 14 Quy chế công tác văn thư trong hệ thống Tòa án nhân dân ban hành kèm theo Quyết định 01/QĐ-TANDTC năm 2022 có quy định về thẩm quyền ký văn bản của Tòa án nhân dân tối cao như sau:
- Chánh án có thẩm quyền ký tất cả các văn bản của Tòa án nhân dân tối cao. Chánh án có thể giao cho Phó Chánh án ký thay (KT.) các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách và một số văn bản thuộc thẩm quyền của người đứng đầu.
- Trong trường hợp đặc biệt, Chánh án có thể ủy quyền cho người đứng đầu một đơn vị trong cơ quan (Chánh Văn phòng, Thủ trưởng đơn vị) ký thừa ủy quyền (TUQ.) một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa ủy quyền phải được quy định bằng văn bản và giới hạn trong một thời gian nhất định, nội dung được ủy quyền. Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký. Văn bản ký thừa ủy quyền được thực hiện theo thể thức và đóng dấu theo quy định.
- Trường hợp ký thay mặt tập thể thì phải ghi chữ (TM.) phía trước tên tập thể lãnh đạo.
- Chánh Văn phòng được thừa lệnh (TL.) Chánh án ký các văn bản, giấy tờ giao dịch thông thường thuộc lĩnh vực hành chính; thông báo về những vấn đề chung trong cơ quan hoặc của Tòa án nhân dân, ký bản sao văn bản.
- Thủ trưởng các đơn vị được thừa lệnh Chánh án ký các văn bản, giấy tờ, các bản sao thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và một số loại văn bản theo ủy quyền cụ thể của Chánh án.
- Phó Chánh Văn phòng ký thay Chánh Văn phòng, Phó Thủ trưởng đơn vị ký thay Thủ trưởng đơn vị các văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình do Chánh Văn phòng, Thủ trưởng đơn vị phân công.
- Các văn bản dịch ra tiếng nước ngoài do Chánh án ủy quyền cho Vụ trưởng (hoặc Phó Vụ trưởng) Vụ Hợp tác quốc tế ký.
- Đối với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao có con dấu riêng: Thủ trưởng đơn vị có thẩm quyền ký toàn bộ văn bản do đơn vị ban hành. Thủ trưởng đơn vị có thể giao cho cấp phó ký thay các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Trường hợp cấp trưởng đi vắng có thể ủy quyền cho cấp phó ký thay một số văn bản cần thiết. Các văn bản, giấy tờ giao dịch sự vụ có thể ủy quyền cho Lãnh đạo cấp phòng ký thừa lệnh.
Thẩm quyền ký văn bản đối với Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện
Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 14 Quy chế này thẩm quyền ký văn bản đối với Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện như sau:
- Chánh án có thẩm quyền ký tất cả các văn bản của cơ quan. Chánh án có thể giao cho Phó Chánh án ký thay (KT.) các văn bản thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
- Trong trường hợp đặc biệt, Chánh án có thể ủy quyền cho người đứng đầu một đơn vị trong cơ quan (Chánh Văn phòng, Thủ trưởng đơn vị) ký thừa ủy quyền (TUQ.) một số văn bản mà mình phải ký. Việc giao ký thừa ủy quyền phải được quy định bằng văn bản và giới hạn trong một thời gian nhất định. Người được ký thừa ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác ký.
- Chánh Văn phòng được thừa lệnh (TL.) Chánh án ký các văn bản, giấy tờ giao dịch thông thường thuộc lĩnh vực hành chính; thông báo về những vấn đề chung trong cơ quan, ký bản sao văn bản.
- Thủ trưởng các đơn vị được thừa lệnh (TL.) Chánh án ký các văn bản, giấy tờ, các bản sao thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao và một số loại văn bản theo ủy quyền cụ thể của Chánh án.
- Phó Chánh Văn phòng ký thay Chánh Văn phòng, Phó Thủ trưởng đơn vị ký thay Thủ trưởng đơn vị các văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình do Chánh Văn phòng, Thủ trưởng đơn vị phân công.
Thẩm quyền ký văn bản đối với Thẩm phán
Theo Điểm c Khoản 1 Điều 14 Quy chế này
Thẩm phán ký các văn bản tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn