Chứng từ kế toán bắt buộc phải là tiếng Việt?
Có được sử dụng tiếng nước ngoài trong chứng từ kế toán?
Căn cứ Điều 11 Luật Kế toán 2015 có quy định như sau:
Chữ viết và chữ số sử dụng trong kế toán
- Chữ viết sử dụng trong kế toán là tiếng Việt. Trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài trên chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tài chính tại Việt Nam thì phải sử dụng đồng thời tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
- Chữ số sử dụng trong kế toán là chữ số Ả-rập; sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ phải đặt dấu chấm (.); khi còn ghi chữ số sau chữ số hàng đơn vị thì sau chữ số hàng đơn vị phải đặt dấu phẩy (,).
….
Như vậy, theo quy định như trên chữ viết trên chứng từ kế toán phải là tiếng Việt nếu phải sử dụng tiếng nước ngoài thì có bản dịch sang tiếng Việt. Do đó chứng từ kế toán vẫn được sử dụng tiếng nước ngoài tuy nhiên phải có bản dịch sang tiếng Việt.
Doanh nghiệp không dịch chứng từ kế toán từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt thì có bị phạt không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 8 Nghị định 41/2018/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập có quy định như sau:
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán;
- Ký chứng từ kế toán khi chưa ghi đủ nội dung chứng từ thuộc trách nhiệm của người ký;
- Ký chứng từ kế toán mà không đúng thẩm quyền;
- Chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký;
- Chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ;
- Không dịch chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt theo quy định;
- Để hư hỏng, mất mát tài liệu, chứng từ kế toán đang trong quá trình sử dụng.
Như vậy, theo quy định như trên hành vi không dịch chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt theo quy định có thể bị xử phạt với hình thức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đây mức phạt tiền đối với tổ chức.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn