Quy định về cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng
Theo Điều 22 Thông tư 01/2021/TT-BTP quy định về cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng, cụ thể như sau:
1. Cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 61 của Luật Công chứng.
Trong trường hợp cộng tác viên phiên dịch đã đăng ký chữ ký mẫu tại tổ chức hành nghề công chứng mà mình làm cộng tác viên thì có thể ký trước vào bản dịch; công chứng viên phải đối chiếu chữ ký của cộng tác viên phiên dịch với chữ ký mẫu trước khi ghi lời chứng và ký vào từng trang của bản dịch.
2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề công chứng:
a) Ký hợp đồng với cộng tác viên phiên dịch, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cộng tác viên đối với nội dung, chất lượng bản dịch, thù lao, quyền và nghĩa vụ của các bên;
b) Thông báo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi tổ chức hành nghề công chứng đăng ký hoạt động danh sách cộng tác viên phiên dịch chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng với cộng tác viên;
c) Trả thù lao phiên dịch theo thỏa thuận với cộng tác viên phiên dịch;
d) Niêm yết công khai danh sách cộng tác viên phiên dịch tại trụ sở của tổ chức mình;
đ) Bồi thường thiệt hại và yêu cầu cộng tác viên phiên dịch bồi hoàn theo quy định tại Điều 38 của Luật Công chứng;
e) Các quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận với cộng tác viên phiên dịch hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Quyền và nghĩa vụ của cộng tác viên phiên dịch:
a) Nhận thù lao phiên dịch theo thỏa thuận với tổ chức hành nghề công chứng;
b) Chịu trách nhiệm về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện;
c) Hoàn trả số tiền mà tổ chức hành nghề công chứng đã bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra theo quy định tại Điều 38 của Luật Công chứng;
d) Chấp hành các quy định của pháp luật về dịch thuật, nội quy làm việc của tổ chức hành nghề công chứng;
đ) Các quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận với tổ chức hành nghề công chứng hoặc theo quy định của pháp luật.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật