Thủ tục đăng ký kết hôn với người Việt Nam ở trong nước
Thủ tục đăng ký kết hôn với người Việt Nam ở trong nước
1. Căn cứ pháp lý:
- Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
- Điều 11 và Điều 18 Luật Hộ tịch 2014.
- Điều 2 và Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
2. Điều kiện:
- Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
+ Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
+ Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định.
+ Không bị mất năng lực hành vi dân sự.
+ Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
- Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
3. Hồ sơ:
- Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân.
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nếu không thường trú tại xã nơi đăng ký kết hôn.
- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu.
Thủ tục đăng ký kết hôn với người Việt Nam ở trong nước (Hình từ Internet)
4. Phương thức nộp:
Hồ sơ đăng ký kết hôn do hai bên nộp trực tiếp và cùng có mặt tại UBND cấp xã.
5. Cơ quan giải quyết:
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.
6. Thời hạn giải quyết:
- Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp - hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.
- Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc.
7. Lệ phí: Được miễn
Chúng tôi phản hồi thông tin đến bạn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật