Xác định giới hạn vốn được vay nước ngoài để thực hiện dự án như thế nào?
Khoản 1 Điều 5 Thông tư 12/2014/TT-NHNN về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh quy định “Bên đi vay được phép vay nước ngoài để phục vụ các mục đích sau đây:
1.Thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài của các đối tượng sau:
a) Của Bên đi vay;
b) Của doanh nghiệp mà Bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp (chỉ áp dụng với trường hợp vay trung, dài hạn nước ngoài)...”.
Tiết (i) Điểm b Khoản 2 Điều 11 Thông tư 12/2014/TT-NHNN quy định “Trường hợp Bên đi vay có dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, số dư nợ vay trung, dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) của Bên đi vay phục vụ dự án đó tối đa không vượt quá phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp ghi nhận tại giấy chứng nhận đầu tư”.
Trường hợp dự án của Công ty đã được cơ quan quản lý về đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư (Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án của Công ty), theo đó tổng vốn đầu tư là 1000 tỷ đồng, vốn góp là 300 tỷ đồng và Công ty vay nước ngoài để phục vụ dự án này thì:
(i) Mục đích vay nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư của Công ty phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư 12/2014/TT-NHNN;
(ii) Giới hạn vốn được vay để thực hiện dự án của Công ty được thực hiện theo quy định tại Tiết (i) Điểm b Khoản 2 Điều 11 Thông tư 12/2014/TT-NHNN. Theo đó, số dư nợ trung, dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) của Bên đi vay phục vụ dự án đó tối đa không vượt quá phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp ghi nhận tại Giấy chứng nhận đầu tư (1000- 300= 700 tỷ đồng tương đương 30 triệu USD).
Khi thực hiện hoạt động vay nước ngoài, Công ty có trách nhiệm tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn.
Thư Viện Pháp Luật