Quy định của pháp luật về tố giác tội phạm
- Nếu không có bằng chứng cụ thể thì bạn rất khó để tố cáo người đó có hành vi trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, luật vẫn cho phép bạn tố cáo hành vi phạm tội nhưng bạn phải chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo. Cụ thể, điều này được quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015:
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
…
4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, bạn chỉ phỏng đoán rằng người đó lấy điện thoại của bạn mà không có chứng cứ xác đáng nên khi gặp lại người đó, bạn cũng không đủ căn cứ để yêu cầu những lực lượng có thẩm quyền như công an, cảnh sát thực hiện việc bắt giữ, điều tra người đó. Tuy nhiên, trong trường hợp chứng kiến người đó tiếp tục hành vi trộm cắp của mình, bạn có thể ghi lại bằng chứng và bắt giữ người đó để giao cho cơ quan có thẩm quyền theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Cụ thể quy định như sau:
1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
2. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
Sau khi bắt người đó và giao cho cơ quan có thẩm quyền, bạn sẽ làm một bản tường tình về sự việc xảy ra trước đó để được điều tra và giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về thắc mắc của bạn.
Trân trọng!
Nguyễn Thị Ân