Có được ký phụ lục hợp đồng thay cho hợp đồng lao động không?
Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật Lao động 2012 thì các loại hợp đồng lao động gồm:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 05/2015/NĐ-CP:
Thời hạn hợp đồng lao động chỉ được sửa đổi một lần bằng phụ lục hợp đồng lao động và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại Khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động.
==> Hợp đồng lao động của bạn có thời hạn 01 năm. Sau khi hết thời hạn công ty không ký hợp đồng mới với bạn mà ký tiếp phụ lục hợp đồng kéo dài thời gian làm việc tiếp theo cho công ty lên 02 năm. Như vậy thì tổng thời gian bạn làm việc cho công ty theo hợp đồng lao động là 03 năm hoàn toàn đúng với loại hợp đồng xác định thời hạn theo luật lao động. Bên cạnh đó thì theo quy định của pháp luật thì có thể dùng phụ lục hợp đồng kéo dài thời hạn làm việc nhưng phải đảm bảo không làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết. Việc dùng phụ lục hợp đồng để sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động chỉ được thực hiện 01 lần. Đối với trường hợp này thì công ty bạn đã thực hiện đúng quy định pháp luật.
Nếu vi phạm sửa đổi quá một lần thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động hoặc khi sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động làm thay đổi loại hợp đồng lao động đã giao kết sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 7 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP:
- Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Thư Viện Pháp Luật