Sổ Bảo hiểm xã hội bị mất thì phải làm sao?
Như chúng ta đã biết thì theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Từ quy định trên thì chúng ta có thể thấy sổ bảo hiểm xã hội có vai trò rất quan trọng đối với người lao động. Chính vì thế, khi bị mất sổ bảo hiểm xã hội thì bạn cần làm hồ sơ để đuợc cấp lại sổ mới bạn nhé. Cụ thể về hồ sơ cấp lại thì tại Điểm a Khoản 2 Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
"Điều 97. Hồ sơ đăng ký tham gia và cấp sổ bảo hiểm xã hội
..........
2. Hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp hỏng hoặc mất bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động;"
Cùng với đó, tại Điểm 1.1 Khoản 1 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành cũng có quy định như sau:
"Điều 27. Cấp lại, đổi, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH, thẻ BHYT
1. Cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng
1.1. Thành phần hồ sơ: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS)."
Như vậy, từ các quy định này thì có thể thấy, để được cấp lại sổ Bảo hiểm xã hội thì bạn cần phải chuẩn bị đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội và tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH (Mẫu TK1-TS).
Trên đây là nội dung trả lời về việc giải quyết khi bị mất sổ bảo hiểm xã hội. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật