Xử lý đối với hành vi giữ giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động

Tôi có một chút thắc mắc mong anh chị giải đáp giúp tôi, em trai tôi có xin vào làm tại một công ty sản xuất bánh kẹo, bên phía công ty yêu cầu giữ Giấy chứng minh nhân dân của tôi, phòng trường hợp có xảy ra chuyện gì không hay. Cho tôi hỏi người sử dụng lao động có được giữ giấy tờ tùy thân của người lao động hay? Mức phạt đối với hành vi này như thế nào? Mong anh chị tư vấn giúp tôi.

Tại Điều 20 Bộ luật lao động 2012 quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết hợp đồng lao động:

- Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

Người sử dụng lao động không được giữ giấy tờ tùy thân, văn bằng hay chứng chỉ của người lao động. Về mức xử lý đối với hành vi này theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP về sửa đổi một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;

b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;

c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.

Như vậy, người sử dụng lao động có hành vi giữ giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động thì sẽ bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng. Bên cạnh đó, buộc người sử dụng lao động phải trả lại giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ cho người lao động.

Trên đây là nội dung tư vấn về mức xử lý đối với hành vi giữ giấy tờ, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

Trân trọng!

Hồ Văn Ngọc

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào