Thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo Luật hộ tịch hiện hành
Theo quy định tại Điều 7 Luật Hộ tịch 2014 thì thẩm quyền đăng ký hộ tịch được quy định cụ thể như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký hộ tịch trong các trường hợp sau:
+ Đăng ký sự kiện hộ tịch quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 3 của Luật Hộ tịch 2014 cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;
+ Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung thông tin hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;
+ Thực hiện các việc hộ tịch theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 3 của Luật Hộ tịch 2014;
+ Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam; khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký hộ tịch trong các trường hợp sau, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014:
+ Đăng ký sự kiện hộ tịch quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Hộ tịch 2014 có yếu tố nước ngoài;
+ Đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc;
+ Thực hiện các việc hộ tịch theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Luật Hộ tịch 2014.
- Cơ quan đại diện đăng ký các việc hộ tịch quy định tại Điều 3 của Luật này cho công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài.
- Chính phủ quy định thủ tục đăng ký khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con, khai tử quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014.
Trên đây là nội dung tư vấn về thẩm quyền đăng ký hộ tịch. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Luật Hộ tịch 2014.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật