Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng được quy định ra sao?
Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng được quy định tại Mục 38 Quy định 14-QĐ/TW năm 2001 về thi hành Điều lệ Đảng do Bộ Chính trị ban hành, có quy định như sau:
38.1. Cấp uỷ hoặc ban thường vụ cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra các cấp có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng. Trường hợp do ban thường vụ và uỷ ban kiểm tra giải quyết thì sau khi giải quyết phải báo cáo với cấp uỷ.
38.2. Khi giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng, đảng uỷ cơ sở, ban thường vụ cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên có thẩm quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ hình thức kỷ luật do tổ chức đảng cấp dưới quyết định. Trường hợp cần thay đổi hình thức kỷ luật cao hơn, vượt quá thẩm quyền phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại Điều 36, Chương VIII, Điều lệ Đảng.
Ban thường vụ, uỷ ban kiểm tra của đảng uỷ cơ sở và đảng ủy bộ phận có trách nhiệm xem xét khiếu nại kỷ luật của đảng viên do chi bộ quyết định nhưng không có quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ hình thức kỷ luật mà phải đề nghị đảng uỷ cơ sở xem xét, quyết định.
38.3. Tổ chức đảng cấp trên chỉ giải quyết những khiếu nại kỷ luật do tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp quyết định kỷ luật hoặc đã giải quyết khiếu nại. Tổ chức đảng cấp trên khi nhận được những khiếu nại vượt cấp thì chuyển cho tổ chức đảng cấp dưới có thẩm quyền giải quyết.
Tổ chức đảng khi nhận được khiếu nại kỷ luật đảng không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển cho các tổ chức đảng có thẩm quyền giải quyết, đồng thời báo cho người khiếu nại biết. Cơ quan chức năng sau khi giải quyết phải thông báo kết quả cho người khiếu nại biết.
38.4. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương có trách nhiệm xem xét, đề xuất ý kiến giải quyết và chuẩn bị hồ sơ các vụ khiếu nại kỷ luật thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.
38.5. Việc giải quyết khiếu nại kỷ luật tiến hành tuần tự từ uỷ ban kiểm tra hoặc cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đã quyết định thi hành kỷ luật. Sau khi được giải quyết, nếu đảng viên hoặc tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật không đồng ý, có khiếu nại tiếp thì cấp trên nữa mới giải quyết, lần luợt cho đến Ban Chấp hành Trung ương. Những trường hợp khiếu nại cần trình Ban Chấp hành Trung ương giải quyết do Bộ Chính trị quyết định. Những trường hợp Ban Chấp hành Trung ương xử lý kỷ luật, nếu có khiếu nại thì do Ban Chấp hành Trung ương xem xét, giải quyết.
38.6. Khi nhận được khiếu nại kỷ luật, cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra phải thông báo cho tổ chức đảng hoặc người khiếu nại biết. Kể từ ngày nhận được khiếu nại, chậm nhất ba tháng đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương trở xuống, sáu tháng đối với cấp Trung ương, cấp uỷ hoặc uỷ ban kiểm tra phải xem xét giải quyết, trả lời cho tổ chức đảng và người khiếu nại biết.
Nghiêm cấm các hành vi cản trở, dìm bỏ không xem xét, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng.
38.7. Không giải quyết những trường hợp khiếu nại sau đây: quá thời hạn một tháng kể từ ngày tổ chức đảng, đảng viên nhận được quyết định kỷ luật; đã được cấp có thẩm quyền cao nhất xem xét, kết luận mà không có chứng cứ mới; bị toà án quyết định hình phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên chưa được cơ quan pháp luật có thẩm quyền huỷ bỏ bản án; cá nhân, tập thể và tổ chức đảng khiếu nại hộ cho tổ chức và người bị thi hành kỷ luật; khiếu nại khi chưa có quyết định kỷ luật của tổ chức đảng có thẩm quyền.
Trường hợp người bị thi hành kỷ luật có khiếu nại chưa được giải quyết mà đã qua đời thì tổ chức đảng vẫn phải xem xét giải quyết.
Trên đây là nội dung của Ban biên tập về việc giải quyết khiếu nại kỷ luật trong Đảng. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo thêm tại Quy định 14-QĐ/TW năm 2001.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật