Thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật theo đề mục
Thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật theo đề mục được quy định tại Điều 7 Thông tư 13/2014/TT-BTP hướng dẫn thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành như sau:
1. Xác định nội dung không pháp điển theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
2. Xây dựng cấu trúc đề mục theo bố cục của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục và đưa toàn bộ nội dung được pháp điển của văn bản đó vào đề mục.
Trường hợp văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục được sửa đổi, bổ sung thì cấu trúc của đề mục được xây dựng trên cơ sở bố cục của văn bản hợp nhất.
Trường hợp có văn bản hủy bỏ, bãi bỏ phần, chương, mục, điều, khoản, điểm của văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục thì ghi chú về nội dung bị hủy bỏ, bãi bỏ, số, ký hiệu và thời điểm có hiệu lực của văn bản hủy bỏ, bãi bỏ.
3. Đưa nội dung của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vào đề mục theo quy định tại Khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 11 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP và các quy định sau:
a) Việc ghi số thứ tự của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cùng một hình thức được thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP. Trường hợp mỗi hình thức văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chỉ có một văn bản thì ghi số thứ tự văn bản này là số 1 (một);
b) Trường hợp nội dung của điều trong văn bản được pháp điển bị sửa đổi, bổ sung thì ghi chú về nội dung sửa đổi, bổ sung, số, ký hiệu và thời điểm có hiệu lực của văn bản sửa đổi, bổ sung;
c) Đối với văn bản không được bố cục theo điều, cơ quan thực hiện pháp điển phân loại nội dung của văn bản và nội dung liên quan nhất trong đề mục để xác định số, tên và nội dung của điều trong đề mục.
4. Trong quá trình thực hiện pháp điển, nếu phát hiện nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế, cơ quan thực hiện pháp điển tiến hành rà soát hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền rà soát văn bản theo quy định để xử lý, kiến nghị xử lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.
5. Trường hợp việc pháp điển đề mục do nhiều cơ quan thực hiện thì cơ quan chủ trì thực hiện pháp điển đề mục gửi kết quả pháp điển đến cơ quan phối hợp để thực hiện pháp điển. Cơ quan phối hợp có trách nhiệm thực hiện pháp điển theo quy định.
Trên đây là nội dung quy định về việc thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật theo đề mục. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 13/2014/TT-BTP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật