Quản lý và sử dụng con dấu của Viện kiểm sát nhân dân các cấp
Quản lý và sử dụng con dấu của Viện kiểm sát nhân dân các cấp được quy định tại Điều 29 Quyết định 381/QĐ-VKSTC năm 2017 về Quy chế công tác văn thư, lưu trữ trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, cụ thể như sau:
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp quán triệt thực hiện đúng Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, cùng các quy định khác của Nhà nước và Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên quan đến việc quản lý và sử dụng con dấu, cụ thể:
a) Quản lý con dấu:
- Chánh Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước viện trưởng cấp mình về việc quản lý, sử dụng con dấu của đơn vị. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao có con dấu riêng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc quản lý và sử dụng con dấu của đơn vị. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện chịu trách nhiệm trước Viện trưởng cấp trên trực tiếp về việc quản lý, sử dụng con dấu của Viện kiểm sát cấp mình.
- Con dấu của đơn vị phải được giao bằng quyết định cho Văn thư cơ quan, Văn thư đơn vị quản lý và sử dụng. Người được giao quản lý, sử dụng con dấu chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị việc quản lý và sử dụng con dấu của đơn vị và có trách nhiệm thực hiện những quy định sau:
+ Con dấu phải được bảo quản tại phòng làm việc của công chức, viên chức văn thư. Trường hợp cần đưa con dấu ra khỏi cơ quan phải được sự đồng ý của Thủ trưởng đơn vị và phải chịu trách nhiệm về việc bảo quản, sử dụng con dấu. Con dấu phải được bảo quản an toàn trong và ngoài giờ làm việc;
+ Không giao con dấu cho người khác khi chưa được phép bằng văn bản của người có thẩm quyền.
- Quản lý dấu trực nghiệp vụ ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ, lễ, tết:
+ Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao: Do Văn thư cơ quan quản lý, sử dụng;
+ Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, huyện: Do Văn thư cơ quan hoặc cán bộ trực nghiệp vụ trực tiếp quản lý; phải được giao nhận bằng văn bản và tuân thủ quy định tại Điều này.
- Khi nét dấu bị mòn hoặc biến dạng, người được giao quản lý, sử dụng con dấu phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị làm thủ tục đổi con dấu. Trường hợp con dấu bị mất phải báo cáo ngay với Viện trưởng cấp mình; đồng thời thông báo với cơ quan Công an nơi xảy ra mất con dấu để lập biên bản. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi xảy ra mất con dấu phải có báo cáo nhanh về Viện kiểm sát nhân dân tối cao để biết, chỉ đạo.
- Khi đơn vị có quyết định chia, tách, sáp nhập phải nộp con dấu cũ và làm thủ tục xin khắc con dấu mới; trường hợp giải thể, đơn vị cấp trên trực tiếp phải thu hồi con dấu theo quy định.
b) Sử dụng con dấu:
- Cán bộ, công chức, viên chức văn thư phải tự tay đóng dấu vào các văn bản của cơ quan. Chỉ đóng dấu vào các văn bản đúng hình thức, thể thức và có ý kiến của người có thẩm quyền.
- Người được giao quản lý, sử dụng con dấu phải tự kiểm tra trước khi đóng dấu vào các văn bản của cơ quan, đơn vị mình.
- Không đóng dấu trong các trường hợp sau: Đóng dấu vào giấy không có nội dung, đóng dấu trước khi ký, đóng dấu sẵn trên giấy trắng, đóng dấu vào văn bản chụp lại mà không có bản gốc để đối chiếu hoặc đóng dấu lên các văn bản có chữ ký của người không có thẩm quyền.
Trên đây là nội dung câu trả lời về việc quản lý và sử dụng con dấu của Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo tại Quyết định 381/QĐ-VKSTC năm 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật