Trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi bị phá sản

Trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi bị phá sản được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập, tôi là Thành Trung, đang tìm hiểu quy định của pháp luật về hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhưng có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập giải đáp và cung cấp thông tin giúp, cụ thể là trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi bị phá sản được quy định như thế nào? Tôi có thể tìm hiểu vấn đề này tại văn bản pháp luật nào? Mong sớm nhận được phản hồi từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!

Trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi bị phá sản được quy định tại Điều 26 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, cụ thể như sau:

- Trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp dịch vụ phải báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài và phương án thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực.

- Doanh nghiệp dịch vụ tạm dừng việc ký kết hợp đồng, tổ chức tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, kể từ ngày Toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản cho đến khi Tòa án ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.

- Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thực hiện Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong trường hợp Tòa án quyết định mở thủ tục thanh lý tài sản được quy định như sau:

+ Doanh nghiệp dịch vụ được thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ khác có Giấy phép để chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong Hợp đồng cung ứng lao động, Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực nếu phương án chuyển giao được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận.

Khi chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho doanh nghiệp dịch vụ khác, tiền ký quỹ của người lao động, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được chuyển cho doanh nghiệp tiếp nhận. Sau khi hoàn thành việc chuyển giao, doanh nghiệp dịch vụ phải thông báo cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và bên nước ngoài biết;

+ Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không thỏa thuận được việc chuyển giao cho doanh nghiệp dịch vụ khác thì bàn giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hồ sơ của người lao động đang làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, tiền dịch vụ thu trước của người lao động để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động đang làm việc ở nước ngoài do doanh nghiệp đưa đi theo quy định của Luật này.

Trên đây là nội dung câu trả lời về trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi bị phá sản. Để hiểu rõ và chi tiết hơn về vấn đề này bạn có thể tìm đọc và tham khảo tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào