Bồi thường hành lý ký gửi bị mất mát, hư hỏng hoặc giảm chất lượng do lỗi của doanh nghiệp được thực hiện ra sao?

Việc bồi thường hành lý ký gửi bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng do lỗi của doanh nghiệp được quy định như thế nào? Xin chào Quý Ban biên tập. Tôi hiện đang sinh sống và làm việc tại Lâm Đồng. Qua một số bài viết và phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, Nhà nước vừa ban hành quy định mới về hoạt động vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt, trong đó có đề cập đến hoạt động quản lý hàng hóa, hành khách đi tàu, tuy nhiên không phân tích rõ. Cho tôi hỏi, theo quy định này thì việc bồi thường hành lý ký gửi bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng do lỗi của doanh nghiệp được tiến hành ra sao? Tôi có thể tham khảo thêm vấn đề này tại đâu? Rất mong sớm nhận được hồi âm từ các chuyên gia. Xin chân thành cảm ơn và trân trọng kính chào!   Đặng Thu Hà (ha***@gmail.com)

Từ ngày 01/7/2018, Thông tư 09/2018/TT-BGTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia chính thức có hiệu lực thi hành. 

Theo đó, việc bồi thường hành lý ký gửi bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng do lỗi của doanh nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Điều 29 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT. Cụ thể như sau:

1. Hành lý ký gửi bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng, thì được bồi thường một trong các hình thức sau đây:

a) Theo mức do hai bên thỏa thuận;

b) Theo giá thị trường của hàng hóa đó tại thời điểm trả tiền và địa điểm trả hàng; trong trường hợp không có giá thị trường của hàng hóa đó thì theo giá trị trung bình của hàng hóa cùng loại, cùng chất lượng trong khu vực nơi trả hàng.

2. Hành lý ký gửi bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng một phần thì bồi thường phần mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng; trường hợp mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng dẫn đến hư hỏng hoặc không sử dụng được toàn bộ thì phải bồi thường toàn bộ và doanh nghiệp được quyền sở hữu số hàng hóa tổn thất đã bồi thường.

3. Ngoài việc bồi thường thiệt hại theo quy định tại các khoản 1, khoản 2 Điều này, doanh nghiệp còn phải hoàn lại cho người gửi toàn bộ tiền vận chuyển và chi phí đã thu.

4. Hành khách, người gửi hành lý ký gửi và doanh nghiệp thỏa thuận về các hình thức và mức bồi thường được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này hoặc bằng các hình thức và mức bồi thường khác mà hai bên thống nhất thực hiện, trường hợp không thỏa thuận được thì việc bồi thường được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ban biên tập đối với thắc mắc của bạn về việc bồi thường hành lý ký gửi bị mất mát, giảm khối lượng, hư hỏng hoặc giảm chất lượng do lỗi của doanh nghiệp. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm quy định cụ thể tại Thông tư 09/2018/TT-BGTVT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào