Bác sĩ từ chối khám, chữa bệnh cho bệnh nhân bị xử lý thế nào?
Theo quy định tại Điều 32 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, bác sĩ được từ chối khám, chữa bệnh khi rơi vào một trong những trường hợp sau:
- Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.
- Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Khi không thuộc trường hợp được quyền từ chối trên đây mà bác sĩ hay bất kỳ người hành nghề khám, chữa bệnh nào từ chối việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, thì người hành nghề khám, chữa bệnh bị xử lý theo quy định tại Điểm e Khoản 5 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người hành nghề khám, chữa bệnh từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp được quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Mức phạt này đồng thời áp dụng với các hành vi:
- Hành nghề không có chứng chỉ hành nghề;
- Hành nghề đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, đình chỉ hành nghề;
- Hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép, trừ trường hợp cấp cứu;
- Thuê, mượn chứng chỉ hành nghề để hành nghề.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ngân hàng Hỏi - Đáp Pháp luật đối với thắc mắc của bạn về hình thức xử lý người hành nghề khám, chữa bệnh từ chối khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh không thuộc trường hợp được quyền từ chối. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề, bạn vui lòng xem thêm tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật