Cách tính tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hằng tháng đối với nhà giáo
Ngày 10/8/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Nghị định 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Theo đó, cách tính tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hằng tháng đối với nhà giáo dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là một trong những nội dung trọng tâm và được quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH. Cụ thể như sau:
Tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm = (Mức phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởngx Mức lương cơ sở) / (Định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm /12 tháng) x Số giờ dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thực tế trong tháng.
Ví dụ 11: Nhà giáo F là nhà giáo dạy thực hành nghề Hàn tại xưởng thực hành của trường trung cấp (tiếp xúc trực tiếp với khí độc) thì mức phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng là 0,1; mức lương cơ sở 1.300.000 đồng; định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm là 480 giờ; số giờ thực hành thực tế trong tháng là 30 giờ. Tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà nhà giáo F được hưởng hằng tháng tính như sau:
Tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm = (0,1 x 1.300.000 đồng)/ (480 giờ/12 tháng) x 30 giờ = 97.500 đồng.
Ví dụ 12: Nhà giáo G là nhà giáo dạy thực hành nghề Hàn trong hầm tàu, hầm xà lan (tiếp xúc trực tiếp với khí độc và môi trường thiếu dưỡng khí) thì mức phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng là 0,2; mức lương cơ sở 1.300.000 đồng; định mức giờ giảng của nhà giáo trong một năm là 480 giờ; số giờ thực hành thực tế trong tháng là 30 giờ. Tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà nhà giáo G được hưởng hằng tháng tính như sau:
Tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm = (0,2 x 1.300.000 đồng)/ (480 giờ/12 tháng) x 30 giờ = 195.000 đồng.
Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ngân hàng Hỏi - Đáp Pháp luật đối với thắc mắc của bạn về cách tính tiền phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hằng tháng đối với nhà giáo dạy thực hành, tích hợp ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề, bạn vui lòng xem thêm tại Thông tư 22/2017/TT-BLĐTBXH.
Chúc bạn sức khỏe và thành đạt!
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật