Quy định về tính toán công suất khai thác của bến xe trong một giờ
Công thức tính toán công suất khai thác của bến xe trong một giờ được quy định tại Tiểu mục 3.2 Mục 3 Hướng dẫn về phương pháp tính toán công suất bến xe khách do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Quyết định 2729/QĐ-BGTVT năm 2016 như sau:
a) Công suất khai thác trong một giờ của bến xe được tính bằng công thức sau:
Bkhai thác/giờ = φ * Btính toán
Trong đó:
+ Bkhai thác/giờ: công suất khai thác của bến xe (xe/giờ);
+ Btính toán: công suất tính toán của bến xe trong một giờ (xe/giờ);
+ φ: hệ số ảnh hưởng đến công suất bến xe. Hệ số này nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của mức độ phục vụ của mạng lưới đường giao thông xung quanh bến xe đến công suất của bến xe.
φ được tính bằng “Lưu lượng giao thông của đường/Khả năng thông hành của đường”. Hệ số φ được xác định như sau:
Lưu lượng giao thông của đường/Khả năng thông hành của đường (V/C) |
Dưới60% |
60% - 70% |
70% - 80% |
80% - 90% |
90% - 100% |
Trên100% |
Hệ số ảnh hưởng φ |
1 |
0,95 |
0,90 |
0,85 |
0,80 |
0,75 |
b) Cách xác định lưu lượng giao thông của đường/Năng lực thông qua của đường (V/C) được tính như sau:
- Lưu lượng giao thông của đường (V): theo lý thuyết, giá trị này được tính toán thông qua khảo sát lưu lượng giao thông tại các tuyến đường chính xung quanh bến xe. Phạm vi của khảo sát được đề xuất như sau:
+ Phạm vi đến 5 km cho bến xe nằm trong đô thị loại đặc biệt;
+ Phạm vi đến 4 km cho bến xe nằm trong đô thị loại 1;
+ Phạm vi đến 3 km cho bến xe nằm trong đô thị loại 2;
+ Phạm vi đến 2 km cho bến xe nằm trong đô thị loại 3;
+ Phạm vi đến 1 km cho các bến xe nằm trong đô thị từ loại 4 trở xuống.
- Lưu lượng xe được khảo sát vào 3 ngày trong tuần (trừ các ngày lễ tết, thứ bảy, chủ nhật). Sau đó, lưu lượng được lấy bình quân trong 1 ngày theo đơn vị xe con quy đổi (xcqđ). Đối với đường đô thị hệ số quy đổi xe con được lấy theo Tiêu chuẩn Việt Nam 104:2007 "Đường đô thị - Yêu cầu thiết kế". Đối với đường ngoài khu vực đô thị thì hệ số quy đổi xe con được lấy theo Tiêu chuẩn Việt Nam 4054:2005 “Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế”.
- Trong trường hợp không thể tiến hành khảo sát theo như phạm vi đã đề xuất ở trên, có thể chỉ khảo sát các tuyến đường chính kết nối với cổng ra vào của bến xe.
- Khả năng thông hành của đường (C): theo lý thuyết, giá trị này được xác định theo khả năng thông hành thiết kế khi xây dựng con đường. Nếu không xác định được trị số thiết kế này, có thể tính toán bằng cách khảo sát hiện trạng con đường (chiều rộng làn đường, số lượng làn, dải phân cách...) sau đó so sánh với khả năng thông hành được mô tả trong các tiêu chuẩn.
- Theo Tiêu chuẩn Việt Nam 4054:2005 “Đường ô tô - yêu cầu thiết kế” mục 4.2.2:
Năng lực của một làn xe:
+ Khi có dải phân cách giữa phần xe chạy trái chiều và có dải phân cách bên để phân cách với xe ô tô thô sơ: 1800 xcqđ/h/làn;
+ Khi có dải phân cách giữa phần xe chạy trái chiều và không có dải phân cách bên để phân cách ô tô với xe thô sơ: 1500 xcqđ/h/làn;
+ Khi không có dải phân cách trái chiều và ô tô chạy chung với xe thô sơ: 1000 xcqđ/h/làn.
- Theo Tiêu chuẩn Việt Nam 104:2007 "Đường đô thị - yêu cầu thiết kế" mục 5.4.1:
Loại đường đô thị |
Đơn vị tính (khả năng thông hành của đường) |
Khả năng thông hành lớn nhất của đường |
Đường 2 làn, 2 chiều |
Xcqđ/h.2làn |
2800 |
Đường 3 làn, 2 chiều |
Xcqđ/h.3làn |
4000 - 4400 (*) |
Đường nhiều làn không có phân cách |
Xcqđ/h.làn |
1600 |
Đường nhiều làn có phân cách |
Xcqđ/h.làn |
1800 |
Chú thích: (*): Giá trị cận dưới áp dụng khi làn trung tâm sử dụng làm làn vượt, rẽ trái, quay đầu...; giá trị cận trên áp dụng khi tổ chức giao thông lệch làn (1 hướng 2 làn, 1 hướng 1 làn) |
Trên đây là nội dung quy định về công thức tính toán công suất khai thác của bến xe trong một giờ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2729/QĐ-BGTVT năm 2016.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật