Hệ số lương công chức loại B
Đối với thắc mắc của bạn, trước hết cần xác định: Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Hệ số lương công chức hạng B được quy định tại bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Theo đó, đối với công chức hạng B, hệ số lương tương ứng với từng bậc cụ thể như sau:
Bậc 1 - 1.86; bậc 2 - 2.06; bậc 3 - 2.26; bậc 4 - 2.46; bậc 5 - 2.66; bậc 6 - 2.86; bậc 7 - 3.06; bậc 8 - 3.26; bậc 9 - 3.46; bậc 10 - 3.66.
Cũng theo quy định này, các ngạch công chức cụ thể đối với công chức loại B được hướng dẫn bởi Điều 1 Nghị định 17/2013/NĐ-CP như sau:
Công chức loại B gồm các ngạch:Thống kê viên trung cấp, kiểm soát viên trung cấp chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thư ký trung cấp thi hành án (dân sự), kiểm tra viên trung cấp thuế, kiểm lâm viên trung cấp, kỹ thuật viên bảo quản trung cấp, thủ kho bảo quản.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về hệ số lương công chức loại B. Để hiểu chi tiết hơn về vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật