Vị thuốc Tục đoạn là gì?
Khái niệm vị thuốc Tục đoạn được quy định tại Mục 99 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Tục đoạn là rễ đã phơi hay sấy khô của cây Xuyên tục đoạn (Dipsacus asperoides C.Y.Cheng, et T.M.Ai.) hay Tục đoạn (Dipsacus japonicus Miq.), thuộc họ Tục đoạn (Dipsacaceae).
Vị thước Tục đoạn được chế biến theo ba phương pháp là phương pháp chế biến Tục đoạn phiến, phương pháp chế biến Tục đoạn chích muối và phương pháp chế biến Tục đoạn chích rượu. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Tục đoạn phiến thì thực hiện bỏ tạp chất và đầu rễ, rửa sạch đất, ủ cho mềm, thái phiến, phơi khô. Tục đoạn phiến là những đoạn ngắn không quá 2 cm. Mặt cắt thấy rõ hai lớp, chung quanh màu nâu đen, lõi giữa có hoa văn màu vàng. Vị đắng hơi chát.
- Đối với phương pháp chế biến Tục đoạn chích muối thì để chế biến 1,0 kg Tục đoạn chích muối thì cần 1,0 kg Tục đoạn và 0,02 kg muối ăn. Theo đó, thực hiện đem Tục đoạn phiến trộn với nước muối cho đều, ủ ngấm, sao cho đến khô. Hòa tan muối vào nước sạch, lượng vừa đủ hòa tan. Tục đoạn chích muối là những đoạn ngắn không quá 2 cm. Mặt cắt có hai lớp, chung quanh màu nâu, lõi giữa màu lục đen hay hoa văn vàng sẫm. Vị mặn đắng và chát.
- Đối với phương pháp chế biến Tục đoạn chích rượu thì để chế biến 1,0 kg Tục đoạn chích rượu thì cần 1,0 kg Tục đoạn phiến và 150 ml - 200 ml rượu trắng. Theo đó, thực hiện đem Tục đoạn phiến trộn với rượu cho đều, ủ ngấm, sao nhỏ lửa cho đến khô, có mùi thơm của rượu là được. Tục đoạn chích rượu là những đoạn ngắn không quá 2 cm. Mặt cắt có hai lớp, chung quanh màu nâu, lõi giữa màu lục đen hay hoa văn vàng sẫm. Có mùi thơm của rượu; vị đắng và chát.
Vị thước Tục đoạn có vị đắng, cay, hơi ôn; Quy kinh can và thận. Có công năng bổ can thận, nối gân xương, thông huyết mạch, cầm máu giảm đau và được dùng chủ trị đau lưng mỏi gối, có thai rong huyết, băng lậu đới hạ, di tinh, sang lở, bị ngã hay đánh thương tổn bầm tím, ung trĩ thũng độc.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Tục đoạn. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật