Vị thuốc Ngũ vị tử là gì?
Khái niệm vị thuốc Ngũ vị tử được quy định tại Mục 69 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Ngũ vị tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây Ngũ vị bắc (Schisandra chinensis (Turcz.) Baill.) hoặc của cây Ngũ vị nam (Schisandra sphenanthera Rehd et Wils.), họ Ngũ vị (Schisandraceae).
Vị thuốc Ngũ vị tử được chế biến theo hai phương pháp là phương pháp chế biến Ngũ vị tử tẩm mật và phương pháp chế biến Ngũ vị tử tẩm giấm. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Ngũ vị tử tẩm mật thì để chế biến 1,0 kg Ngũ vị tử tẩm mật thì cần 1,0 kg Ngũ vị tử và 0,1 kg mật ong. Theo đó, thực hiện lấy dao bổ đôi quả; mật ong pha loãng bằng nước đun sôi để nguội, tỷ lệ 1/1 tẩm mật 3 giờ. Sao đến không dính tay và ngũ vị phồng rộp. Khi dùng giã dập. Ngũ vị tẩm mật có vỏ quả màu tím, đỏ tối. Cùi quả phồng rộp bám vào hạt. Cùi có mùi đặc biệt, vị chua, ngọt. Đập vỡ hạt ngửi thấy mùi thơm, vị cay và hơi đắng.
- Đối với phương pháp chế biến Ngũ vị tử tẩm giấm thì để chế biến 1.0 kg Ngũ vị tử tẩm giấm thì cần 1,0kg Ngũ vị tử và 200 ml giấm trắng. Theo đó, thực hiện lấy Ngũ vị tử sạch, trộn với giấm cho thấm đều, đậy kín, để yên 4 giờ. Cho lên đồ đến khi có màu đen, đem ra phơi hay sấy khô. Ngũ vị tẩm giấm có vỏ quả màu đỏ tím, đỏ tối. Cùi quả mềm nhuyễn. Cùi có mùi đặc biệt, vị chua. Đập vỡ hạt ngửi thấy mùi thơm, vị cay và hơi đắng.
Vị thuốc Ngũ vị tử có vị chua, hơi mặn, tính ôn. Quy kinh Phế, Tâm và Thận. Có công năng cố biểu, liễm phế chỉ khái, ích thận cố tinh, sinh tân dịch chỉ khát và được dùng để chữa ho lâu ngày hư suyễn, tiêu chảy lâu ngày không cầm, tự hãn, đạo hãn, thương tổn tân dịch khát nước, đoản khí, mạch hư, mệt mỏi, an thần.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Ngũ vị tử. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật