Vị thuốc Nga truật là gì?
Khái niệm vị thuốc Nga truật được quy định tại Mục 65 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Nga truật là thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Nga truật [Curcuma zedoaria (Berg.) Roscoe], họ Gừng (Zingiberaceae)
Vị thuốc Nga truật được chế biến theo ban phương pháp là phương pháp chế biến Nga truật phiến, phương pháp chế biến Nga truật chích giấm và phương pháp chế biến Nga truật chế giấm. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Nga truật phiến thì thực hiện đem nga truật ngâm nước (hoặc đồ) cho mềm. Vớt ra để khô se, thái phiến dầy 2-3 mm. Trường hợp đồ mềm thì thái phiến ngay sau khi đồ. Phơi khô hoặc sấy khô.
- Đối với phương pháp chế biến Nga truật chích giấm thì để chế biến 1,0 kg Nga truật chích giấm thì cần có 1,0 kg Nga truật phiến và 30 ml giấm. Theo đó, thực hiện trộn đều nga truật phiến với giấm. Ủ 3 - 6 giờ cho ngấm hết giấm. Sao nhỏ lửa tới khô, mặt ngoài của phiến hơi vàng.
- Đối với phương pháp chế biến Nga truật chế giấm thì để chế biến 1,0 kg Nga truật chế giấm thì cần 1,0 kg Nga truật (thân rễ), 30 ml giấm và 30 ml nước sạch. Theo đó, thực hiện cho Nga truật vào giấm, đun sôi nhỏ lửa cho đến cạn. Đổ ra để nguội, thái phiến dày 3 - 5 mm. Phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ 60 °C tới khô.
Vị thuốc Nga truật chế giấm là những phiến dày 2 - 3 mm, Nga truật chích giấm mặt ngoài phiến có màu hơi vàng, thể chất giòn, vị đắng, hơi cay, hơi chua.
Vị thuốc Nga truật có vị đắng, cay. Tính ấm. Quy kinh can. Có công năng phá huyết, hành khí, tiêu thực hóa tích, thanh phế chỉ ho, hóa đàm và được dùng để chủ trị các bệnh về kinh nguyệt bế, đau bụng kinh, ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, ho nhiều đờm.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Nga truật. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật