Vị thuốc Cốt toái bổ là gì?
Khái niệm vị thuốc Cốt toái bổ được quy định tại Mục 28 Phụ lục II về Phương pháp chế biến 103 vị thuốc cổ truyền ban hành kèm theo Thông tư 30/2017/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 28/08/2017. Cụ thể như sau:
Vị thuốc Cốt toái bổ (tắc kè đá) là sản phẩm đã chế biến của thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Cốt toái bổ [(Drynaria fortunei (Kunze ex Mett.) J. Sm. ) hoặc (Drynaria bonii H. Christ)], họ Dương xỉ (Polypodiaceae).
Vị thuốc Cốt toái bổ được chế biến bằng hai phương pháp là phương pháp chế biến Cốt toái bổ sao vàng và phương pháp chế biến Cốt toái bổ chích rượu. Trong đó:
- Đối với phương pháp chế biến Cốt toái bổ sao vàng thì Cốt toái bổ phiến sao tới khi phiến thuốc có màu nâu đậm với loài (Drynaria fortunei) hoặc màu vàng đậm với loài (Drynaria bonii). Loại hết vỏ bẩn và lông nhỏ.
- Đối với phương pháp chế biến Cốt toái bổ chích rượu thì để chế biến 1,0 kg Cốt toái bổ chích rượu cần 1,0 kg Cốt toái bổ phiến và 200 ml rượu. Lấy rượu phun đều vào cốt toái bổ phiến, trộn đều. Ủ 30 phút đến 1giờ cho ngấm hết rượu. Sao nhỏ lửa tới khô đến khi mặt phiến có màu nâu hoặc màu vàng.
Vị thuốc Cốt toái bổ có thể chất giòn, màu nâu đậm hoặc vàng đậm.
Vị thuốc Cốt toái bổ có vị khổ, cam, vi tân; Tính ôn. Quy kinh: can, thận. Vị thuốc Cốt toái bổ sao vàng có công năng bổ thận, mạnh gân cốt, làm liền xương, chỉ thống và được dùng để chủ trị trong các bệnh đau lưng, đau xương khớp, gẫy xương, đau răng, chảy máu chân răng, ù tai. Còn vị thuốc Cốt toái bổ chích rượu có công năng bổ thận, mạnh gân cốt, làm liền xương, chỉ thống được dùng để chủ trị trong các bệnh bong gân, sưng tấy cơ nhục.
Trên đây là nội dung tư vấn về khái niệm vị thuốc Cốt toái bổ. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2017/TT-BYT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật