Từ tháng 7/2018, nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong quá trình làm việc phải có trách nhiệm gì?
Từ ngày 01/7/2018, Luật Đường sắt 2017 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó,Luật này quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.
Trách nhiệm của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong quá trình làm nhiệm vụ từ tháng 7/2018 được quy định tại Khoản 3 Điều 35 Luật Đường sắt 2017. Cụ thể bao gồm:
a) Thực hiện các công việc theo chức danh, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật và theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường sắt;
b) Tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh chỉ huy chạy tàu; chấp hành các quy định, chỉ thị của cấp trên;
c) Mặc đúng trang phục, đeo phù hiệu, cấp hiệu và biển chức danh.
Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn vấn đề, Ban biên tập xin gửi đến bạn một số thông tin về các chức danh cụ thể của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu như sau:
Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu bao gồm các chức danh sau đây:
- Trưởng tàu;
- Lái tàu, phụ lái tàu;
- Nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga;
- Trực ban chạy tàu ga;
- Trưởng dồn;
- Nhân viên gác ghi;
- Nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe;
- Nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm;
- Nhân viên gác đường ngang, cầu chung;
- Các chức danh nhân viên khác phù hợp với từng loại hình đường sắt.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về trách nhiệm của nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trong quá trình làm nhiệm vụ từ tháng 7/2018. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo tại Luật Đường sắt 2017.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật