Kết quả bầu cử trong Đảng được tính như thế nào?
Ngày 9/6/2014, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đã ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng. Có thể nói, bản Quy chế bầu cử trong Đảng lần này có nhiều nội dung mới so với bản Quy chế bầu cử trong Đảng trước đây, vừa bảo đảm phát huy dân chủ, vừa tăng cường tập trung và đề cao kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Cách tính kết quả bầu cử trong các kỳ đại hội Đảng được quy định tại Điều 32 Quy chế bầu cử trong Đảng được ban hành kèm theo Quyết định 244-QĐ/TW năm 2014 về Quy chế bầu cử trong Đảng. Cụ thể như sau:
1- Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ; phiếu hợp lệ là phiếu được quy định tại Điều 17 của Quy chế này. Trường hợp phiếu bầu nhiều người mà không có số dư, người bầu cử đánh dấu X vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý hoặc không đánh dấu X vào cả hai ô đồng ý, không đồng ý đối với người nào thì không tính vào kết quả bầu cử của người đó (phiếu đó vẫn được tính là phiếu hợp lệ).
2- Đối với đại hội đảng viên: người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đảng viên chính thức của đảng bộ, chi bộ được triệu tập trừ số đảng viên đã được giới thiệu sinh hoạt tạm thời ở đảng bộ khác, đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt đảng không có mặt ở đại hội (nếu đảng viên đó có mặt ở đại hội, hội nghị đảng viên, tham gia bầu cử, biểu quyết thì vẫn tính), số đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, bị khởi tố, truy tố, tạm giam, đảng viên chính thức vắng mặt suốt thời gian đại hội có lý do chính đáng được cấp ủy triệu tập đại hội đồng ý.
3- Đối với đại hội đại biểu: người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đại biểu chính thức được triệu tập trừ số cấp uỷ viên cấp triệu tập đại hội vắng mặt suốt thời gian đại hội, đại biểu chính thức vắng mặt suốt thời gian đại hội không có đại biểu dự khuyết thay thế.
4- Ở hội nghị cấp uỷ để bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra, người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số cấp uỷ viên trừ số thành viên đã chuyển sinh hoạt đảng tạm thời không có mặt tại hội nghị, số thành viên đang bị đình chỉ sinh hoạt, bị khởi tố, truy tố, tạm giam.
5- Trường hợp số người đạt số phiếu bầu quá một nửa nhiều hơn số lượng cần bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu cao hơn.
6- Nếu cuối danh sách trúng cử có nhiều người bằng phiếu nhau và nhiều hơn số lượng cần bầu, thì chủ tịch hoặc đoàn chủ tịch đại hội (hội nghị) lập danh sách những người ngang phiếu nhau đó để đại hội (hội nghị) bầu lại và lấy người có số phiếu cao hơn, không cần phải quá một nửa. Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn bằng nhau, có bầu tiếp hay không do đại hội (hội nghị) quyết định.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về cách tính kết quả bầu cử trong các kỳ đại hội Đảng. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Quyết định 244-QĐ/TW năm 2014.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật