Xem xét dấu vết trên thân thể trong quá trình giải quyết vụ án hình sự được tiến hành ra sao?
Việc tiến hành hoạt động xem xét dấu vết trên thân thể trong quá trình giải quyết vụ án hình sự được quy định tại Điều 203 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Cụ thể như sau:
1. Khi cần thiết, Điều tra viên tiến hành xem xét dấu vết của tội phạm hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án trên thân thể người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị hại, người làm chứng. Trong trường hợp cần thiết thì Cơ quan điều tra trưng cầu giám định.
2. Việc xem xét dấu vết trên thân thể phải do người cùng giới tiến hành và phải có người cùng giới chứng kiến. Trường hợp cần thiết thì có thể mời bác sĩ tham gia.
Nghiêm cấm xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xem xét dấu vết trên thân thể.
Khi xem xét dấu vết trên thân thể phải lập biên bản mô tả dấu vết để lại trên thân thể; trường hợp cần thiết phải chụp ảnh, trưng cầu giám định. Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này.
Trường hợp không thể xem xét ngay được thì tài liệu, đồ vật thu giữ phải được bảo quản, giữ nguyên trạng hoặc niêm phong đưa về nơi tiến hành điều tra.
Việc xem xét dấu vết trên thân thể là hoạt động điều tra do Điều tra viên tiến hành nhằm phát hiện trên thân thể người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng để phát hiện dấu vết của tội phạm (tức là dấu vết do hành vi phạm tội gây ra như: vết đâm, chém, vết bầm, vết xước… trên người những đối tượng trên) hoặc các dấu vết khác có ý nghĩa đối với vụ án như vết xăm trổ, chàm, bớt, sẹo cần xem xét để nhận dạng bị can, bị cáo…
Trong trường hợp cần thiết như việc xem xét dấu vết trên thân thể đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn về y học thì Cơ quan điều tra phải mời bác sĩ pháp y tham gia hoặc trưng cầu giám định pháp y theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Một điểm cần lưu ý đối với hoạt động này đó là: người tiến hành xem xét dấu vết trên thân thể phải là người cùng giới và phải có người cùng giới chứng kiến. Không được xâm phạm nhân phẩm hoặc sức khoẻ của người bị xem xét tức là phải xem xét ở chỗ kín đáo, những người không có nhiệm vụ không được tham dự và không được bình phẩm về thân thể của người bị xem xét.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc tiến hành hoạt động xem xét dấu vết trên thân thể trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật