Thay đổi năm sinh trên thẻ bảo hiểm y tế như thế nào?
Theo thông tin bạn trình bày thì các giấy tờ của bố bạn bị sai lệch về ngày sinh, trong đó: Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bằng lái xe đều thể hiện năm sinh là 1962 còn thẻ thương binh và thẻ bảo hiểm y tế thể hiện năm sinh 1961.
Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành và xét theo thực tế, việc điều chỉnh thông tin trên các giấy tờ quan trọng như sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bằng lái xe,...là khá phức tạp và tốn thời gian. Hơn nữa những loại giấy tờ này của bố bạn hiện nay thể hiện cùng một năm sinh nên chúng tôi nghĩ không cần điều chỉnh thông tin trên chứng minh nhân dân như bạn đề nghị.
Thay vào đó, cách nhanh nhất có thể đáp ứng nhu cầu dùng thẻ BHYT để chữa bệnh của bố bạn và để thuận tiện trong việc sử dụng các loại giấy tờ tùy thân về sau là chỉnh sửa thông tin năm sinh trên thẻ bảo hiểm y tế, cụ thể là đổi từ năm 1961 sang 1962 cho phù hợp với các loại giấy tờ trên.
Về thủ tục, bạn thực hiện theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo hiểm y tế 2008. Cụ thể như sau:
Điều 19. Đổi thẻ bảo hiểm y tế
1. Thẻ bảo hiểm y tế được đổi trong trường hợp sau đây:
a) Rách, nát hoặc hỏng;
b) Thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu;
c) Thông tin ghi trong thẻ không đúng.
2. Hồ sơ đổi thẻ bảo hiểm y tế bao gồm:
a) Đơn đề nghị đổi thẻ của người tham gia bảo hiểm y tế;
b) Thẻ bảo hiểm y tế.
3. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này, tổ chức bảo hiểm y tế phải đổi thẻ cho người tham gia bảo hiểm y tế. Trong thời gian chờ đổi thẻ, người có thẻ vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Chúng tôi nhận thấy việc đổi thẻ BHYT là cách nhanh nhất và phù hợp nhất đối với trường hợp của bạn. Bạn nên cân nhắc để tiến hành kịp thời giúp bố bạn chữa bệnh. Chúc bạn thành công!
Trên đây là nội dung hỗ trợ của Ngân hàng Pháp luật đối với trường hợp xin thay đổi thông tin năm sinh trên thẻ Bảo hiểm y tế. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo thêm tại Luật Bảo hiểm y tế 2008.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật