Căn cứ nào dùng để đánh giá kiểu loại sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường?
Căn cứ để đánh giá kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận được quy định tại Khoản 2 Điều 11 Thông tư 30/2011/TT-BGTVT được sửa đổi bởi Khoản 8 Điều 1 Thông tư 54/2014/TT-BGTVT như sau:
Căn cứ để đánh giá kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận bao gồm:
a) Kết quả đánh giá COP tại Cơ sở sản xuất theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này;***
b) Sự phù hợp của sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận so với quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc sự phù hợp của sản phẩm khi có sự thay đổi so với kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc sự phù hợp của sản phẩm khi có sự thay đổi của các quy định, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan.
*** Theo đó, Khoản 2 Điều 8 quy định về kết quả đánh giá COP như sau:
Cơ quan quản lý chất lượng (QLCL) thực hiện việc đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Cơ sở sản xuất theo các phương thức sau:
a) Đánh giá lần đầu được thực hiện khi cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này;
b) Đánh giá hàng năm được thực hiện định kỳ hàng năm;
c) Đánh giá đột xuất được thực hiện khi Cơ sở sản xuất có dấu hiệu vi phạm các quy định liên quan đến việc kiểm tra chất lượng hoặc khi có các khiếu nại về chất lượng sản phẩm.
Nội dung đánh giá điều kiện kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Cơ sở sản xuất được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn ISO/TS 16949 “Yêu cầu cụ thể đối với hệ thống quản lý chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe cơ giới và linh kiện xe cơ giới”.
Nhìn chung, có 2 tiêu chí để đánh giá kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận: (i) kết quả đánh giá COP và (ii) sự phù hợp của sản phẩm so với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc so với sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc so với sự thay đổi của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về căn cứ để đánh giá kiểu loại sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2011/TT-BGTVT và Thông tư 54/2014/TT-BGTVT.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật