Bạn N.H (email: trannguyenhongngoc16@xxx) trình bày: "Tôi là viên chức của một trường đại học, ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với nhà trường. Trong thời gian công tác tôi có đi học sau đại học (chuyên khoa 1) 2 năm tập trung. Trước khi đi học tôi có ký cam kết khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục làm việc tại trường theo thời gian gấp đôi thời gian khóa học, nếu không sẽ chịu xử lý theo quy định của Luật Viên chức. Trong thời gian học, khi rảnh thỉnh thoảng tôi có về trường công tác. Khi tốt nghiệp, tôi có về trường làm việc được 6 tháng. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình tôi viết đơn xin nghỉ việc. Nhà trường đồng ý giải quyết nghỉ việc với điều kiện tôi phải bồi thường chi phí đào tạo. Việc bồi thường chi phí đào tạo được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 15/2012 của Bộ Nội vụ. Tôi đồng ý bồi thường 60 triệu đồng tiền học phí của nhà trường hỗ trợ. Tuy nhiên, nhà trường tính tiền bồi thường gồm: Chi phí đào tạo, tiền lễ 2.9, tiền thưởng tết và tiền nghỉ mát, tiền đề tài nghiên cứu khoa học ở trường, tổng số khoảng 200 triệu đồng. Nhà trường tính như vậy có đúng không? Do số tiền của nhà trường yêu cầu bồi thường quá lớn, nếu tôi không có khả năng chi trả thì có được thôi việc không hay sẽ bị kỷ luật buộc thôi việc?".
Khoản 1, Điều 17, Thông tư 15/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định về chi phí và cách tính đền bù chi phí đào tạo như sau: Chi phí đền bù là các chi phí phục vụ cho khóa học, không tính lương và các phụ cấp khác. Như vậy các khoản tiền mà nhà trường tính như tiền lễ 2.9, thưởng tết, tiền nghỉ mát đều không được tính vào chi phí đền bù. Bạn nên rà soát lại các yêu cầu của nhà trường, sau đó trao đổi lại với phía nhà trường để xem xét lại mức phí đền bù. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được về chi phí đền bù, nhà trường có thể sẽ khởi kiện bạn để đòi chi phí đền bù.