Trách nhiệm của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
Trách nhiệm của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được quy định tại Điều 22 Nghị định 141/2005/NĐ-CP về việc quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, theo đó:
Điều 22. Trách nhiệm của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài
1. Nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, chính sách và phương thức tiếp nhận lao động nước ngoài của các nước để đề xuất với Chính phủ.
2. Hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, ký kết hợp đồng hợp tác lao động theo đúng pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại.
3. Hỗ trợ cơ quan chuyên môn ở Việt Nam trong việc thẩm định các điều kiện và tính khả thi của các hợp đồng tiếp nhận lao động, tư cách pháp nhân của đối tác nước ngoài.
4. Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài về trách nhiệm quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động.
5. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động làm việc ở nước ngoài; xử lý đối với hành vi vi phạm của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo quy định của Nghị định này.
6. Báo cáo và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật Việt Nam.
7. Phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam và nước sở tại, với các doanh nghiệp đưa người lao động vi phạm về nước.
(Điều này được hướng dẫn bởi Điểm 2 Mục I Thông tư liên tịch 03/2006/TTLT-BLĐTBXH-BNG, bạn có thể tham khảo thêm)
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Trách nhiệm của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, được quy định tại Nghị định 141/2005/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật