Trợ cấp xã hội cho đối tượng là người cao tuổi
Tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP quy định về đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng như sau:
Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng;
b) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a Khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;
c) Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.
Nghị định 136/2013/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/01/2014 và đang có hiệu lực thi hành. Trong trường hợp của bạn, bạn có nêu rằng người họ hàng của bạn “68 tuổi. Cô đơn không có con cái và cháu phụng dưỡng.Và bị tàn tật ở chân sống một mình. Trước 2015 thì bà vẫn được hưởng trợ cấp cho người già neo đơn số tiền là 180.000 đồng/tháng. Nhưng đến Tháng 8 năm 2015 thì UBND xã có triệu tập tất cả các cụ già neo đơn và người ngoài 80 tuổi”.
Vậy sẽ thuộc trường hợp được quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP đó là: Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng.
Như vậy, trường hợp xã của bạn ngừng trợ cấp hàng tháng cho những người thuộc đối tượng được hưởng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP là sai với quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trợ cấp xã hội cho đối tượng là người cao tuổi. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 136/2013/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật