Giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong trường hợp người phạm tội tự thú
Tự thú là tự nói ra tội lỗi của mình. Người phạm tội tự thú có nhiều mức độ khác nhau. Hiểu theo nghĩa rộng thì tự thú bao hàm cả khái niệm thật thà khai báo. Tuy nhiên về pháp lý, chỉ coi tự thú khi tội phạm họ thực hiện chưa bị phát hiện nhưng tự thú đến cơ quan có thẩm quyền (công an, viện kiểm sát, thanh tra …) khai báo hành vi phạm tội của mình.
Nếu người phạm tội tự thú có đủ điều kiện quy định ở khoản 2 Điều 25 Bộ luật hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Điều kiện đó là:
- Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú.
- Sau khi tự thú, khai rõ sự việc, tức là khai rõ hành vi phạm tội của mình và đồng bọn (nếu có ), góp phần có hiệu quả trong việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế mức thấp nhất hậu quả của tội phạm Nếu thiếu một trong những điều kiện trên hoặc tuy đủ điều kiện trên hoặc tuy đủ điều kiện nhưng không được miễn trách nhiệm hình sự thì được coi là tình tiết giảm nhẹ khi quyết định hình phạt.
Trường hợp bị cáo phạm nhiều tội, thì tự thú tội nào được coi là tình tiết giảm nhẹ đối với tội đó.
Cần phân biệt tự thú với đầu hàng. Đầu hàng là chịu thua. Vì vậy, trong trường hợp một kẻ phạm tội bị bao vây, không còn đường nào khác mà phải ra đầu hàng thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ. Nếu họ còn có khả năng trốn tránh, nhưng ra trình diện thì được coi là trường hợp tự thú (đầu thú ). Tuy nhiên theo tinh thần của Thông tư liên ngành số 05 ngày 2-6-1990 của Bộ nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ tư pháp, hướng dẫn thi hành chính sách đối với người ra tự thú, thì chỉ có một khái niệm tự thú cho tất cả những trường hợp tự thú hoặc đầu thú, tuy nhiên mức độ có khác nhau và nói chung họ đều giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của tình tiết này phụ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi tự thú và những điều kiện về tự thú của người phạm tội.
Thư Viện Pháp Luật