Khởi kiện giành lại quyền nuôi con như thế nào?
Thứ nhất, theo thông tin bạn cung cấp, vợ chồng em trai bạn đã ly hôn và theo quyết định của Toà án, quyền nuôi con thuộc về người mẹ thì ở thời điểm hiện tại người mẹ có mối quan hệ với người khác khi đã chấm dứt hôn nhân thì không phải là mối quan hệ bất chính.
Thứ hai, nếu bạn muốn được quyền nuôi hai con của em trai bạn thì chỉ có hình thức nhận nuôi con nuôi và phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của hai cháu đồng thời đảm bảo các điều kiện về nhận nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật.
- Căn cứ Điều 8 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về người được nhận làm con nuôi như sau:
1. Trẻ em dưới 16 tuổi
2. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
3. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
4. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.
- Căn cứ Điều 14 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về điều kiện đối với người nhận con nuôi như sau:
1. Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
d) Có tư cách đạo đức tốt.
2. Những người sau đây không được nhận con nuôi:
a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
c) Đang chấp hành hình phạt tù;
d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3. Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.
- Căn cứ Điều 21 Luật nuôi con nuôi 2010 quy định về sự đồng ý cho làm con nuôi như sau:
1. Việc nhận nuôi con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
2. Người đồng ý cho làm con nuôi quy định tại khoản 1 Điều này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.
3. Sự đồng ý phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
4. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.
Như vậy khi có đủ điều kiện về người nhận nuôi con nuôi, người được nhận nuôi và sự đồng ý của cha mẹ người được nhận nuôi thì bạn mới có thể làm thủ tục nhận nuôi con nuôi và nuôi dưỡng hai cháu.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về khởi kiện giành lại quyền nuôi con. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật nuôi con nuôi 2010 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật