Quyền định đoạt quyền sử dụng đất của hộ gia đình
Trong trường hợp này, mẹ bạn không để lại di chúc. Do đó, di sản thừa kế được chia theo pháp luật.
Những người thừa kế theo pháp luật theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Như vậy, những người thuộc hàng thừa kế bao gồm chồng, con đẻ, con nuôi của người chết, cha đẻ, mẹ đẻ của người chết.
Những người thừa kế đều có quyền đối với di sản thừa kế do người chết để lại. Phần di sản mà những người thừa kế được hưởng phần bằng nhau. Những người thừa kế thực hiện họp mặt và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Đối với quyền sử dụng đất mà mẹ bạn đã để cho bố bạn đứng tên thì được xác định là tài sản chung của hai vợ chồng. Bố bạn có quyền với một nửa phần đất nói trên. Một nửa còn lại được xác định là di sản thừa kế.
Bạn và những người thừa kế khác đã thỏa thuận để cho bố bạn đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bạn không nói rõ việc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đại diện đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay là để cho bố bạn có toàn bộ quyền sử dụng đất hợp pháp. Nếu như bạn và những người thừa kế ủy quyền cho bố bạn đại diện đứng tên trên giấy chứng nhận thì việc định đoạt tài sản chung của những người thừa kế phải được sự đồng ý của tất cả những người thừa kế theo Khoản 1, 2, 3 Điều 218 Bộ luật dân sự 2015:
1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.
2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.
Do đó, nếu không được sự đồng ý của các thành viên trong gia đình thì bố bạn không thể tự định đoạt toàn bộ quyền sử dụng đất. Hiện tại bạn và em bạn đã không còn hộ khẩu tại đó thì cũng không ảnh hưởng đến việc định đoạt quyền sử dụng đất.
Trường hợp những người thừa kế thỏa thuận để bố bạn có toàn quyền sử dụng đất nói trên thì bố bạn có quyền định đoạt quyền sử dụng đất nói trên.
Trong trường hợp quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung những người có quyền thừa kế thì việc bố bạn định đoạt mà không được sự đồng ý của các thành viên trong gia đình thì bạn và những thành viên khác có quyền khởi kiện đòi lại quyền lợi của mình.Thủ tục tố tụng thực hiện theo Phần thứ 2 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Còn nếu chỉ có bố bạn có quyền sử dụng đất hợp pháp thì bạn không thể đòi lại quyền lợi của mình tại Tòa.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền định đoạt quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật