Điều kiện để làm thủ tục phá sản theo quy định hiện hành
Theo quy định của Điều 5 Luật phá sản 2014 quy định phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Như vậy căn cứ nhận định để xác định điều kiện nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là doanh nghiệp của bạn phải mất khả năng thanh toán tức công ty của bạn không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Bạn cần kiểm tra lại thực tế của công ty mình xem có những khoản nợ đã đến hạn thanh toán được 3 tháng mà không thực hiện được việc thanh toán hay không? Những khoản nợ này có thể là nợ nghĩa vụ với các đối tác có hợp đồng kinh tế, với người lao động không trả được lương, hoặc nghĩa vụ tài chính với nhà nước.
Theo quy định tại Điều 4 Luật phá sản 2014 thì các loại phí phải nộp khi làm thủ tục phá sản gồm:
+ Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (sau đây gọi là lệ phí phá sản) là khoản tiền mà người yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp để Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
+ Chi phí phá sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật.
+ Tạm ứng chi phí phá sản là khoản tiền do Tòa án nhân dân quyết định để đăng báo, tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Nếu đơn vị bạn tiến hành thủ tục sau ngày 01 tháng 01 năm 2017 thi lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sẽ áp dụng theo quy định của Luật phí và Lệ phí 2015. Ai là người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì phải có nghĩa vụ nộp lệ phí cho tòa án trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 và Điểm a Khoản 1 Điều 105 của Luật phá sản 2014, cụ thể của công ty TNHH 1 thành viên của bạn là:
- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở của công ty;
- Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Người đại diện theo pháp luật cả công ty nếu công ty của bạn mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;
Còn về vấn đề khởi kiện các đối tác trong thời gian mở thủ tục phá sản thì Luật phá sản 2014 không có quy định cấm, giới hạn nên bạn có quyền thực hiện quyền này.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về điều kiện để làm thủ tục phá sản theo quy định hiện hành. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật phá sản 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật